Người sử dụng lao động được khuyến khích dạy nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động.
Xem thêm:
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động số 10/2012/QH13;
- Nghị định số 49/2013/NĐ-CP.
Nhà nước khuyến khích NSDLĐ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ đang làm việc cho mình và đào tạo nghề cho người học nghề khác.
NSDLĐ có quyền tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình và không phải đăng ký hoạt động dạy nghề tuy nhiên không được thu học phí.
NSDLĐ phải giao kết hợp đồng đào tạo nghề theo quy định tại Điều 62 Bộ luật lao động. Bộ luật lao động quy định rõ đây là “hợp đồng đào tạo nghề”, có sự phân biệt với “hợp đồng lao động” được quy định tại Điều 23 Bộ luật lao động.
Vì vậy, có thể hiểu NSDLĐ có quyền giao kết hợp đồng đào tạo nghề, và khi đó mối quan hệ giữa NSDLĐ và người học nghề không phải là quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ, mặc dù người học nghề có thể tham gia hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm hoặc thực hiện cung ứng dịch vụ đem lại lợi ích cho NSDLĐ.
-
Thời gian học nghề
Pháp luật lao động hiện hành không có quy định về thời gian đào tạo nghề cho người học nghề. Do đó có thể hiểu rằng không có giới hạn về thời gian học nghề của người học.
Vì vậy, NSDLĐ cần cân nhắc để có thời gian đào tạo hợp lý và kế hoạch bố trí người học nghề trở thành NLĐ chính thức sao cho người học nghề có thể cống hiến cho NSDLĐ sau khi kết thúc thời gian đào tạo nghề.
-
Tiền lương và phụ cấp trong thời gian học nghề
Như đã trình bày ở trên, hợp đồng đào tạo nghề không phải là hợp đồng lao động. Do đó NSDLĐ không có nghĩa vụ trả lương cho người học nghề.
Tuy nhiên, trường hợp người học nghề có tham gia lao động làm ra sản phẩm thì người học nghề được trả lương và NSDLĐ phải trả lương theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Bộ luật lao động:
Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động
2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận
Như vậy, NSDLĐ và người học nghề có thể thỏa thuận về tiền lương trong quá trình đào tạo nghề.
Hiện nay có quy định về tiền lương với nội dung liên quan đến người học nghề tại Điểm b, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP:
Điều 7. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương
3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:
a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
Tuy nhiên, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP có nội dung quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, đồng thời đối tượng điều chỉnh là NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ.
Điểm b, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP nêu trên quy định về mức lương tối thiểu của NLĐ mà trước đó người này đã được học nghề do NSDLĐ đào tạo. Do đó quy định này không áp dụng đối với tiền lương của người đang học nghề do NSDLĐ đào tạo.
Đối với phụ cấp cho người học nghề, pháp luật lao động hiện nay cũng không quy định NSDLĐ có nghĩa vụ thanh toán các loại trợ cấp cho người học nghề. Do đó, NSDLĐ có quyền tự do thỏa thuận về các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người học nghề.
-
Ngày nghỉ hàng năm
Người học nghề, tập nghề không phải là người lao động. Vì vậy, người học nghề sẽ không được áp dụng chế độ nghỉ hàng năm được quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động.
Người học nghề không được áp dụng nghỉ phép năm. Do đó, NSDLĐ không phải chi trả tiền nghỉ phép hằng năm cho người học việc như đối với NLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật lao động
-
Bảo hiểm bắt buộc
Người học nghề, tập nghề không phải là người lao động. Vì vậy, người học nghề không thuộc đối tượng tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc là BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.
Do người học nghề không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Vì vậy, NSDLĐ không phải chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người học việc như đối với NLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Bộ luật lao động.