Doanh nghiệp có quyền vay vốn ngân hàng để bổ sung vốn lưu động trong kinh doanh, nhưng có thể bị coi là có giao dịch liên kết nếu khoản vay đủ lớn.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 132/2020/NĐ-CP;
- Công văn số 915/TCT-TTKT ngày 25/3/2022 của Tổng Cục thuế.
Khoản vay nếu được xác định là giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN trong kỳ sẽ bị khống chế ở mức trần 30% EBITDA.
Do đó, khi doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để bổ sung vốn kinh doanh cần lưu ý tự xác định khoản vay có thuộc trường hợp giao dịch liên kết hay không để chủ động kê khai báo cáo thuế và xác định nghĩa vụ thuế TNDN trong kỳ.
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
2. Các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:
- d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
Theo quy định trên, một khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng được coi là giao dịch liên kết khi khoản vay đó hội đủ 2 điều kiện gồm:
- Lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp;
- Lớn hơn 50% tổng số nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Lưu ý: quy định trên không có sự phân biệt khoản vay tại ngân hàng là ngắn hạn hay dài hạn.
Thực tế, một số doanh nghiệp căn cứ Công văn số 915/TCT-TTKT ngày 25/3/2022 của Tổng Cục thuế để cho rằng nếu khoản vay tại ngân hàng toàn bộ là vay ngắn hạn thì mặc nhiên không phải là giao dịch liên kết.
Tuy nhiên, Công văn số 915/TCT-TTKT ngày 25/3/2022 của Tổng Cục thuế có hướng dẫn như sau:
Trường hợp trong kỳ doanh nghiệp không có các khoản nợ trung và dài hạn theo tiêu chí quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP nêu trên thì không thuộc trường hợp áp dụng tại điểm này.
Theo hướng dẫn nêu trên:
- Nếu doanh nghiệp không có các khoản nợ trung và dài hạn thì không có dữ liệu để tính 50% tổng số nợ trung và dài hạn, nên khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng không đủ điều kiện để coi đó là giao dịch liên kết.
- Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vay ngắn hạn tại ngân hàng nhưng vẫn có các khoản nợ trung và dài hạn với các đối tác khác thì khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng vẫn có thể là giao dịch liên kết nếu hội đủ 2 điều kiện nêu trên.