Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Vậy vợ được bố mẹ tặng cho đất thì chồng có được đứng tên chung trên sổ đỏ hay không?
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Thông tư số 14/2023/TT-BTNMT.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chào luật sư, tôi đã kết hôn được 5 năm, nay cha mẹ tôi lớn tuổi nên cho tôi một miếng đất để dành. Vậy chồng tôi có được đứng tên miếng đất này không? Sau này tôi muốn chồng cùng đứng tên thì tôi cần làm thủ tục gì?
-
Đất được bố mẹ cho là tài sản riêng hay tài sản chung vợ chồng?
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có những quy định chung để xác định một tài là tài sản riêng hay tài sản chung vợ chồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo các quy định trên, về nguyên tắc, tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Tuy nhiên có những ngoại lệ ví dụ như:
- Tài sản được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân;
- Tài sản được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, với tình huống cụ thể trong câu hỏi nêu trên:
- Trong thời kỳ hôn nhân nếu người vợ được cha mẹ cho riêng thửa đất thì thửa đất đó là tài sản riêng của người vợ. Người chồng không được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Trường hợp cha mẹ ghi rõ cho cả hai vợ chồng thì thửa đất đó là tài sản chung vợ chồng. Vợ và chồng đều được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
-
Khi nào tài sản riêng trở thành tài sản chung?
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung
- Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
Với tình huống cụ thể trong câu hỏi nêu trên, để thửa đất là tài sản chung vợ chồng và người chồng cũng được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì:
- Ngay từ thời điểm cha mẹ cho đất, cha mẹ có thể lập hợp đồng cho cả hai vợ chồng thửa đất.
- Nếu cha mẹ cho riêng người vợ thửa đất thì sau khi người vợ được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai vợ chồng có thể lập thỏa thuận để nhập thửa đất đó vào khối tài sản chung của vợ chồng.
-
Cách bổ sung tên chồng vào sổ đỏ
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 14/2023/TT-BTNMT, để nhập thửa đất đang là tài sản riêng của người vợ trở thành tài sản chung vợ chồng, vợ hoặc chồng thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại UBND cấp huyện nơi có đất.
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo mẫu;
- văn bản thỏa thuận giữa vợ chồng về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng. Văn bản này phải được công chứng/chứng thực hợp lệ;
- Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
- Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.