Doanh nghiệp có thể chi các khoản phúc lợi để chăm sóc đời sống nhân viên cũng như giữ chân người lao động nhưng không được chi quá quy định.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 25/2018/TT-BTC.
Rất nhiều doanh nghiệp đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ, cũng như chi các khoản phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động. Các khoản chi này mang tính chất phúc lợi và có thể được đưa vào chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN.
Tuy nhiên, để hạn chế doanh nghiệp đẩy cao các khoản chi này nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp, pháp luật đã khống chế mức chi tối đa chi phúc lợi cho nhân viên.
Căn cứ khoản 4 điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC, các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như:
- Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động;
- Chi nghỉ mát;
- Chi hỗ trợ điều trị;
- Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo;
- Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau;
- Chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập;
- Chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động;
- Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác (trừ Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này);
- Và những Khoản chi có tính chất phúc lợi khác.
Các khoản chi có tính chất phúc lợi nêu trên bị khống chế tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Trong đó tiền lương tháng bình quân thực tế được xác định như sau:
- Bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng;
- Bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm (nếu doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng).