Các loại giấy tờ phải mang theo khi tham gia giao thông và mức xử phạt hành chính đối với hành vi không mang theo giấy tờ
Căn cứ pháp lý:
- Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12;
- Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
-
Các loại giấy tờ cần mang theo khi tham gia giao thông
Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Đối với xe ô tô và rơ moóc, sơ mi rơ moóc, phải đem theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
Các giấy tờ trên khi mang theo phải là bản chính.
Chúng tôi nhận được câu hỏi rằng có thể đem theo bản sao được công chứng/chứng thực của các giấy tờ trên hay không? Hiện nay, tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định:
Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, bản sao được chứng thực có thể sử dụng trong các giao dịch. Do đó, khi cơ quan Nhà nước kiểm tra hành chính thì người điều khiển xe phải xuất trình bản chính.
Tuy nhiên, nếu phương tiện cơ giới đã được thế chấp và chủ sở hữu xe đã giao bản chính giấy đăng ký xe cho tổ chức tín dụng thì người điều khiển xe được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Nội dung này được quy định tại Khoản 13 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP:
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe (đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ), bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt (đối với phương tiện tham gia giao thông đường sắt) kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt
-
Mức phạt vi phạm hành chính
Mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không mang theo các giấy tờ nêu trên khi tham gia giao thông được quy định tại Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP như sau:
Đối với xe mô tô, xe gắn máy:
- Không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng
- Không mang theo Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Có Giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia: Xe mô tô dưới 175 cm3: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Xe mô tô từ 175 cm3 trở lên: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng
- Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng
Đối với xe ô tô:
- Không mang theo Giấy đăng ký xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc): Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng
- Không mang theo Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng
- Có Giấy phép lái xe quốc tế nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng
- Không mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng
- Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng
-
Lưu ý về hành vi bị xử phạt
Trên đây là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không mang theo giấy tờ. Vì vậy, cần phân biệt với hành vi không có giấy tờ với mức xử phạt khác cao hơn so với mức nêu trên.
Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển xe không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ theo quy định, thì sẽ bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi không có giấy tờ
Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì bị xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện.
Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì bị xử phạt về các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.