Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng vẫn có thể phát hành thêm cổ phần và chào bán riêng lẻ để huy động vốn đầu tư.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Chứng khoán năm 2019;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi mở công ty cổ phần hoạt động được 5 năm, vốn hiện tại là 10 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông đều là bạn bè quen. Tôi muốn mời thêm nhiều người cùng tham gia góp vốn vào công ty để phát triển kinh doanh. Hiện nay đã có khoảng 10 người có ý muốn đầu tư. Tôi cần phải làm thủ tục như thế nào?
Đối với các công ty cổ phần có quy mô nhỏ (chưa phải là công ty đại chúng) như trong câu hỏi nêu trên vẫn có quyền phát hành thêm cổ phần để huy động vốn đầu tư thông qua thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ.
-
Điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
- Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
- Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
Như vậy, công ty cổ phần trong câu hỏi nêu trên chưa phải là công ty đại chúng.
Căn cứ khoản 1 Điều 125 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng phải đáp ứng các điều kiện sau đây khi chào bán cổ phần riêng lẻ:
- Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo quy định trên, cần lưu ý:
- Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng bị khống chế số lượng cổ đông khi chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Do quy mô chào bán nhỏ nên công ty không được công bố thông tin chào bán cổ phần riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng như: đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/Cổng thông tin điện tử.
-
Trình tự thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ
Căn cứ khoản 2 Điều 125 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần chưa đại chúng được thực hiện như sau:
Bước 1. Xây dựng và thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ
Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ có các thông tin cơ bản bao gồm: loại cổ phần,số lượng và mức giá dự kiến chào bán, các điều kiện chuyển nhượng, han chế chuyển nhượng (nếu có), …
Bước 2. Tổ chức bán cổ phần theo phương án đã được thông qua
Sau khi công ty thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, việc bán cổ phần được thực hiện như sau:
- Ưu tiên bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu: chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần, công ty phải gửi thông báo đến các cổ đông hiện hữu để họ đăng ký mua hoặc chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần cho người khác.
- Bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới: Nếu cổ đông hiện hữu và/hoặc người được chuyển quyền ưu tiên mua mà không mua hết cổ phần dự kiến chào bán, thì số cổ phần còn lại được bán cho các nhà đầu tư khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông hiện hữu, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.
- Người đăng ký mua cổ phần riêng lẻ phải thực hiện thanh toán tiền mua cổ phần cho công ty. Lưu ý: nếu nhà đầu tư là tổ chức thì phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Bước 3. Công ty tổng hợp kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ và cập nhật sổ đăng ký cổ đông
Bước 4. Thực hiện thông báo đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh
Căn cứ trên kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt bán cổ phần, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ (tăng vốn).
-
Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ
Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 51 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP như sau:
Trường hợp tăng vốn điều lệ do Đại hội đồng cổ đông trực tiếp thông qua việc tăng vốn điều lệ:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư;
- Nếu người nộp hồ sơ không phải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì kèm theo: văn bản ủy quyền và bản sao căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với người được ủy quyền.
Trường hợp tăng vốn điều lệ do Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng quản trị về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần.
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư;
- Nếu người nộp hồ sơ không phải là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì kèm theo: văn bản ủy quyền và bản sao căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu đối với người được ủy quyền.