Người đang nhận trợ cấp thất nghiệp khi tìm được việc làm thì phải thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 28/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 61/2020/NĐ-CP;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Trợ cấp thất nghiệp là chế độ dành cho người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã chấm dứt hợp đồng nhưng chưa tìm được việc làm mới.
-
Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm
Việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là có thời hạn nhất định và sẽ chấm dứt trong một số trường hợp nhất định, trong đó có trường hợp khi người hưởng trợ cấp đã có việc làm. Cụ thể:
Căn cứ Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, cá nhân được coi là đã có việc làm nếu:
- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
- Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;
- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;
- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Theo quy định trên, khi cá nhân đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động hoặc được bổ nhiệm làm việc; Trở thành chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp; … thì phải thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
-
Xử phạt khi vẫn hưởng trợ cấp khi đã có việc làm
Trường hợp người lao động không thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm về việc mình đã có việc làm, để vẫn hưởng trợ cấp trong khi đã có việc làm thì người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 40. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, số tiền trợ cấp thất nghiệp, số tiền hỗ trợ học nghề, số tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này.
Theo quy định trên, người lao động không thông báo đến trung tâm dịch vụ việc làm khi đã có việc làm thì:
- Bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng;
- Phải nộp lại cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận.