Di chúc là một văn bản quan trọng liên quan đến việc định đoạt quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của cá nhân
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Công chứng năm 2014;
- Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Hai năm trước, vợ chồng tôi có lập một di chúc có công chứng. Nay tôi muốn hủy bỏ di chúc đã lập để làm di chúc mới, nhưng trước đây tôi đã có cho vợ chồng các con tôi biết về nội dung di chúc này. Bây giờ tôi thay đổi phân chia tài sản khác đi được hay không?
Theo quy định pháp luật, nếu không có di chúc thì di sản sẽ được phân chia theo các quy tắc chung của pháp luật. Nếu có di chúc thì việc phân chia di sản sẽ được chia theo nội dung di chúc, trừ khi di chúc không có giá trị pháp lý hoặc di sản không được thể hiện trong di chúc.
Về nguyên tắc, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Ngoài ra, nội dung di chúc là mong muốn chủ quan của người lập. Trong khi đó, người lập di chúc có thể thay đổi mong muốn của mình theo thời gian. Do vậy, người lập di chúc hoàn toàn có quyền thay đổi nội dung di chúc, hủy bỏ di chúc.
-
Quyền hủy bỏ di chúc
Căn cứ Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc có các quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
- Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Ngoài ra, căn cứ Điều 628, 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có 5 loại di chúc như sau:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực;
- Di chúc miệng.
Với mỗi loại di chúc nêu trên, việc lập di chúc được thực hiện theo thủ tục khác nhau nên sẽ có quy định để hủy bỏ khác nhau.
-
Hủy bỏ di chúc miệng
Căn cứ Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc miệng chỉ được áp dụng đối với người lập mà tính mạng bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Do đó, di chúc miệng mang hiệu lực có điều kiện về thời gian như sau:
Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
-
Hủy bỏ di chúc bằng văn bản không có người làm chứng/có người làm chứng
Người lập di chúc có thể hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Nếu họ lập di chúc mới thì di chúc mới sẽ thay thế và di chúc trước bị hủy bỏ.
-
Hủy bỏ di chúc bằng văn bản có công chứng/chứng thực
Nếu người lập di chúc muốn hủy bỏ di chúc bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực thì cũng phải thực hiện thủ tục tại một cơ quan công chứng hoặc chứng thực để đảm bảo pháp lý của việc hủy bỏ. Cụ thể:
Căn cứ khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 như sau:
Điều 56. Công chứng di chúc
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Căn cứ Điều 38 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP như sau:
Điều 38. Chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch
- Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực chỉ được thực hiện khi có thỏa thuận bằng văn bản của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
- Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện tại cơ quan đã chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể chứng thực tại bất kỳ cơ quan có thẩm quyền chứng thực nào; cơ quan đã thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã chứng thực trước đây về nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc để ghi chú vào sổ chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Theo các quy định trên, người thực hiện hủy bỏ di chúc không bắt buộc phải đến đúng tổ chức, cơ quan đã công chứng,chứng thực di chúc trước đây, mà có thể đến bất kỳ tổ chức, cơ quan công chứng, chứng thực khác thuận tiện cho mình để thực hiện hủy bỏ di chúc.