Hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở là một thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra tòa án. Tranh chấp thừa kế đất đai có phải thực hiện thủ tục này?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đất đai năm 2013;
- Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP.
Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Nếu UBND cấp xã hòa giải không thành, thì các bên có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến UBND cấp huyện hoặc khởi kiện ra tòa án.
Như vậy, để giải quyết tranh chấp đất đai thì thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã là bắt buộc phải thực hiện. Còn đối với tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thì như thế nào?
-
Có phải hòa giải tranh chấp thừa kế đất đai tại UBND cấp xã?
Về nguyên tắc, trong các loại tranh chấp, các bên luôn được khuyến khích tự hòa giải, và nếu không tự hòa giải thì có thể nộp đơn đến UBND cấp xã để hòa giải.
Tranh chấp thừa kế đất đai cũng như vậy, các bên vẫn có thể nộp đơn đề nghị hòa giải tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, việc này là không bắt buộc. Cụ thể:
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP như sau:
Điều 3. Về chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Theo quy định trên, cần phân biệt 02 loại tranh chấp: tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất:
- Tranh chấp quyền sử dụng đất: Phải hòa giải tại UBND cấp xã;
- Tranh chấp giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất: Không phải hòa giải tại UBND cấp xã.
Như vậy, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất không được xem là tranh chấp đất đai, nên không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện.
-
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế
Căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu thừa kế như sau:
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
…
Theo quy định trên, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế được tính từ thời điểm người để lại di sản mất và:
- 30 năm đối với bất động sản;
- 10 năm đối với động sản.
Nếu thời hạn nêu trên kết thúc thì người có quyền thừa kế bị mất quyền khởi kiện.