Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận nếu hợp đồng bị vô hiệu, do đó các bên cần lưu ý nhiều vấn đề khi giao kết hợp đồng.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hợp đồng vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trong một số trường hợp, các bên gặp nhiều khó khăn để khôi phục lại tình trạng ban đầu dẫn đến quyền lợi của một bên bị thiệt hại.
Do vậy, khi có dự định ký kết hợp đồng, các bên cần tìm hiểu và nghiên cứu các khía cạnh pháp lý và hoàn cảnh thực tế để cân nhắc có nên ký hợp đồng hay không hoặc ký như thế nào để hợp đồng có hiệu lực.
Dưới đây là 8 trường hợp hợp đồng có khả năng bị tuyên bố vô hiệu.
-
Mục đích, nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
- Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Ví dụ: luật không cho phép đầu tư kinh doanh chất ma túy, pháo nổ, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
Đạo đức xã hội không cho phép các thỏa thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc con, trốn tránh nghĩa vụ của người để lại di sản thừa kế.
-
Hợp đồng là giả tạo
- Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
- Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Ví dụ: thay vì ký hợp đồng vay thì các bên lại giao dịch mua bán nhà đất để chiếm đoạt đoạt tài sản của người vay.
Ký kết nhiều hợp đồng mua bán nhà đất với các giá khác nhau để giảm tiền thuế phải nộp.
-
Hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
Về nguyên tắc, chủ thể giao dịch dân sự phải là người có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nên những hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi xác lập, thực hiện là không có giá trị pháp lý.
Trừ những trường hợp sau đây:
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
- Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
- Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
-
Hợp đồng được giao kết do nhầm lẫn
Hợp đồng được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch. Ví dụ: bị nhầm lẫn về giá, về công dụng, chức năng của hàng hóa, …
Tuy nhiên, hợp đồng được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp:
- Mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được
- Hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
-
Hợp đồng được giao kết do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Nguyên tắc trong giao kết hợp đồng là các bên tham gia phải tự nguyện. Nên khi một bên tham gia hợp đồng do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì hợp đồng đó có khả năng bị vô hiệu.
- Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
- Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
-
Hợp đồng được giao kết do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình
Nếu hợp đồng được giao kết vào thời điểm mà một hoặc các bên không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hợp đồng đó có khả năng bị vô hiệu.
Cần lưu ý, người cho rằng mình không nhận thức và làm chủ hành vi phải chứng minh được điều này đã xảy ra khi ký hợp đồng.
-
Hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức
Nguyên tắc chung là hợp đồng có thể được giao kết bằng các hình thức như lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi thực tế.
Tuy nhiên, pháp luật quy định nhiều loại hợp đồng phải được tuân thủ về hình thức là bằng văn bản và được công chứng/chứng thực.
Ví dụ: hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thế chấp, …
Nếu hợp đồng vi phạm về hình thức theo quy định pháp luật thì hợp đồng có khả năng bị vô hiệu.
Cần lưu ý:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
-
Hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được
Nếu ngay từ khi ký hợp đồng, mà đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được thì hợp đồng bị vô hiệu.
Ví dụ: mua bán hàng hóa, nhưng hàng hóa không tồn tại trên thực tế. Mua bán suất dự kiến được bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhưng thực tế không được bồi thường, tái định cư.
Lưu ý:
- Nếu khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.