Có nhiều phương án gia nhập thị trường Việt Nam, trong đó thành lập văn phòng đại diện được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lựa chọn.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định số 07/2016/NĐ-CP.
Hiện nay pháp luật Việt Nam có nhiều quy định tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam bằng nhiều hình thức như:
- Góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp nội địa;
- Thành lập văn phòng đại diện;
- Thành lập chi nhánh công ty;
- Thành lập công ty 100% vốn nước ngoài;
- Tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Tham gia các dự án hợp tác công tư (PPP).
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn thành lập chi nhánh tại Việt Nam, hoặc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài để nắm quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài ra phương án thành lập văn phòng đại diện cũng được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn để xúc tiến kinh doanh cho công ty mẹ ở nước ngoài.
Dưới đây là 5 lý do mà nhà đầu tư nước ngoài nên xem xét thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam:
-
Thủ tục thành lập đơn giản
So với phương án đầu tư thành lập chi nhánh hoặc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì thành lập văn phòng đại diện lại khá đơn giản, đó là:
- Công ty mẹ tại nước ngoài đã được thành lập hợp pháp tại quốc gia và vùng lãnh thổ có đặt trụ sở.
- Công ty mẹ đã hoạt động được tối thiểu 1 năm tại nước ngoài kể từ ngày được thành lập.
- Nếu công ty mẹ có thời hạn hoạt động thì thời hạn hoạt động còn lại tối thiểu là 1 năm tính từ ngày nộp hồ sơ thành lập văn phòng đại diện.
-
Thời gian cấp phép nhanh chóng
Theo quy định hiện hành, thời gian cấp giấy chứng nhận thành lập Văn phòng đại diện chỉ trong khoảng 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận thành lập, văn phòng đại diện có thể đi vào hoạt động ngay.
-
Chi phí tiết kiệm hơn so với thành lập công ty có vốn nước ngoài
Trong khi việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài dẫn đến chi phí thành lập có thể lên đến hàng ngàn USD.
Còn với văn phòng đại diện: thủ tục và thời gian cấp phép nhanh chóng hơn so với thành lập chi nhánh hoặc công ty có vốn nước ngoài, nên mức chi phí để thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và đi vào hoạt động sẽ tiết kiệm hơn và phù hợp cho việc thăm dò thị trường bước đầu chưa cần đầu tư quá nhiều vốn.
Do đó, thành lập văn phòng đại diện là một lựa chọn rất đáng cân nhắc trong gia đoạn ban đầu tìm hiểm thị trường Việt Nam để hạn chế rủi ro trong tương lai.
-
Mục đích để thăm dò thị trường, tìm khách hàng cho công ty mẹ
Thông thường các doanh nghiệp nước ngoài luôn có bước tìm hiểu thị trường thực tế bằng cách cử nhân sự thường trú tại Việt Nam mà chưa thực sự rót vốn mạnh để đầu tư sản xuất kinh doanh trực tiếp tại đây.
Theo quy định pháp luật hiện hành, văn phòng đại diện không được trực tiếp tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù vậy, văn phòng đại diện vẫn có quyền quảng bá thương hiệu, là đầu mối tìm kiếm và kết nối khách hàng tại Việt Nam với công ty mẹ tại nước ngoài để tạo về nguồn thu cho công ty mẹ.
Do vậy văn phòng đại diện là phương án lý tưởng cho bước đầu tìm hiểu về thị trường Việt Nam.
-
Là bước đệm hợp lý trước khi thành lập công ty có vốn nước ngoài
Một văn phòng đại diện không được phép trực tiếp kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn có thể tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho công ty mẹ tại nước ngoài xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam.
Đến khi thị trường Việt Nam đã quen với thương hiệu mới, hoặc doanh số của công ty mẹ từ thị trường Việt Nam đủ lớn thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện để chuyển sang thành lập công ty có vốn nước ngoài.
Việc chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện cũng không quá khó khăn. Do văn phòng đại diện không phát sinh về doanh thu bán hàng trực tiếp nên quyết toán thuế để giải thể không phức tạp.