Người con có quyền được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ, không phân biệt con chung hay con riêng ngoài giá thú
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Gia đình tôi có 3 anh em, ba mẹ đều đã mất có để lại nhà và đất. 5 năm trước chúng tôi đã chia thừa kế theo pháp luật và mỗi người đã làm sổ hồng riêng. Nay đột nhiên xuất hiện người con riêng của ba tôi có trước khi cưới mẹ và sinh chúng tôi. Người này đòi quyền thừa kế thì chúng tôi có phải chia nhà đất cho họ không?
-
Quyền thừa kế của con riêng ngoài giá thú
Quan hệ thừa kế thường phát sinh giữa những người có quan hệ huyết thống với nhau.
Căn cứ khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu người chết không để lại di chúc, thì các hàng thừa kế của người chết bao gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo điểm a nêu trên, việc thừa kế giữa cha mẹ và con cái không phụ thuộc vào việc con chung trong thời kỳ hôn nhân hay con riêng ngoài giá thú. Do vậy, người con riêng vẫn có quyền hưởng thừa kế bình đẳng so với những người con khác.
-
Xử lý khi con riêng xuất hiện sau khi đã phân chia thừa kế
Căn cứ Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 662. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế
- Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, nếu việc chia thừa kế đã thực hiện hoàn tất mà người con riêng mới xuất hiện thì:
- Trước hết tất cả những người thừa kế có quyền tự thỏa thuận với nhau để giải quyết chia thừa kế;
- Nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Việc chia thừa kế theo quy định pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Không phân chia lại di sản bằng hiện vật;
- Những người đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản mà người đó lẽ ra được hưởng tại thời điểm chia thừa kế.