Tóm tắt các bước để đưa doanh nghiệp vào hoạt động
- Đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư;
- Đăng công bố thông tin thành lập doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia;
- Treo biển doanh nghiệp tại địa chỉ trụ sở chính;
- Khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu với cơ quan nhà nước;
- Đăng ký thuế ban đầu với cơ quan quản lý thuế cấp huyện trong thời gian không quá 10 ngày kể từ khi nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh;
- Mở tài khoản ngân hàng và thông báo số tài khoản ngân hàng cho cơ quan nhà nước;
- Mua chữ ký số công cộng;
- Mua/đặt in hóa đơn giá trị gia tăng và thông báo phát hành hóa đơn.
Cụ thể các bước thành lập doanh nghiệp:
Bước 1. Chuẩn bị các thông tin để thành lập doanh nghiệp
- Lựa chọn ngành nghề kinh doanh dự kiến hoạt động
- Lựa chọn loại hình doanh nghiệp: Theo quy định pháp luật, hiện nay có các loại hình doanh nghiệp như sau: Tham khảo đặc điểm từng loại hình doanh nghiệp tại đây
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Doanh nghiệp tư nhân
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh
- Chuẩn bị bản sao có công chứng, chứng thực CMND (hộ chiếu), giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức tham gia thành lập doanh nghiệp
- Lựa chọn tên doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở:
- Người thành lập doanh nghiệp không được đặt tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có thông tin được xác định gồm gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh.
- Lựa chọn vốn điều lệ phù hợp với khả năng, quy mô doanh nghiệp và các ngành nghề đăng ký kinh doanh
- Phân chia, bổ nhiệm các chức danh quản lý trong doanh nghiệp: chủ tịch, giám đốc/tổng giám đốc
- Lựa chọn người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Bước 2. Tiến hành đăng ký doanh nghiệp
- Soạn thảo hồ sơ công ty: Hồ sơ cần có để thành lập đối với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những điểm khác nhau, cụ thể:
- Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân:
- Giấy đề nghị xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo mẫu;
- Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của chủ doanh nghiệp;
- Văn bản xác nhận đủ điều kiện về vốn pháp định (nếu có);
- Chứng chỉ hành nghề (nếu có).
- Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn:
- Giấy đề nghị xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo mẫu;
- Dự thảo Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên và các giấy tờ sau đây:
- Đối với thành viên là cá nhân:Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp.
- Đối với thành viên là tổ chức:Bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương. Đối với người đại diện theo ủy quyền thì cần có văn bản ủy quyền, bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người được ủy quyền.
- Văn bản xác nhận đủ điều kiện về vốn pháp định (nếu có);
- Chứng chỉ hành nghề (nếu có).
- Hồ sơ thành lập công ty cổ phần
- Giấy đề nghị xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo mẫu;
- Dự thảo Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập và các giấy tờ sau đây:
- Đối với cổ đông là cá nhân:Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp.
- Đối với cổ đông là tổ chức:Bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương. Đối với người đại diện theo ủy quyền thì cần có văn bản ủy quyền, bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người được ủy quyền.
- Văn bản xác nhận đủ điều kiện về vốn pháp định (nếu có);
- Chứng chỉ hành nghề (nếu có)
- Lưu ý:
- Nếu doanh nghiệp đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc về vốn pháp định thì doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Ví dụ: kinh doanh bất động sản yêu cầu vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng; tư vấn đầu tư chứng khoán yêu cầu 10 tỷ đồng; kinh doanh mua bán nợ là 100 tỷ đồng; dịch vụ thu hồi nợ là 2 tỷ đồng.
- Nếu doanh nghiệp đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện bắt buộc về chứng chỉ hành nghề thì tùy vào từng ngành nghề, doanh nghiệp phải nộp kèm theo chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Ví dụ như chứng chỉ kiểm toán viên; chứng chỉ hành nghề kế toán; chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; chứng chỉ hành nghề dịch vụ thuế.
- Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân:
- Cơ quan tiếp nhận: Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nếu người thành lập doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp thì phải có văn bản ủy quyền và bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
- Thời gian trả kết quả: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, nếu hồ sơ đủ điều kiện thì người thành lập doanh nghiệp sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu không, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do và hướng dẫn sửa đổi, bổ sung.
Bước 3. Công việc cần thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần tiến hành một số công việc để đưa doanh nghiệp và hoạt động chính thức
- Khắc con dấu công ty: doanh nghiệp có thể liên hệ bất kỳ đơn vị nào có chức năng khắc dấu để đặt khắc con dấu, sau đó thông báo mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Mở tài khoản ngân hàng: doanh nghiệp có thể liên hệ bất kỳ ngân hàng nào có trụ sở tại Việt Nam để mở tài khoản, sau đó thông báo số tài khoản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan thuế.
- Mua chữ ký số công cộng: Chữ ký số được sử dụng để kê khai và nộp thuế, bảo hiểm xã hội qua mạng điện tử, tránh lãng phí thời gian và công sức đi lại. Doanh nghiệp có thể liên hệ bất kỳ tổ chức nào có chức năng cung cấp dịch vụ chữ ký số để đặt mua.
- Đăng ký thuế ban đầu tại cơ quan quản lý thuế nơi doanh nghiệp có trụ sở: doanh nghiệp nộp tờ khai áp dụng phương pháp kế toán, phương pháp khấu hao tài sản cố định, tờ khai lệ phí môn bài, công văn đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in (nếu muốn sử dụng hóa đơn đặt in)
- Nộp tiền lệ phí môn bài: Sau khi đã nộp tờ khai lệ phí môn bài, doanh nghiệp thực hiện nộp tiền lệ phí môn bài tại kho bạc nhà nước địa phương.
Mức thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng hàng năm tùy thuộc vào vốn điều lệ:
Vốn điều lệ | Bậc lệ phí môn bài | Mức lệ phí môn bài cho 1 năm |
Trên 10 tỷ đồng | Bậc 1 | 3.000.000 VNĐ/năm |
Từ 10 tỷ đồng trở xuống | Bậc 2 | 2.000.000 VNĐ/năm |
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng cuối năm (từ 01/07 đến 31/12) thì chỉ phải nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
- Treo biển hiệu doanh nghiệp: doanh nghiệp phải làm biển hiệu công ty trong đó có ghi Tên doanh nghiệp; Mã số thuế; Địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại và gắn tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Đặt mua hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
Comments 1