Người lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức lương tháng và khoản khoản phụ cấp theo lương
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH;
- Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bao gồm các khoản sau:
- Mức lương;
- Phụ cấp lương;
- Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Thực tế doanh nghiệp thường chi trả thêm cho người lao động các khoản lợi ích khác ngoài lương như: tiền xăng xe, tiền điện thoại, … Các khoản này mặc dù là khoản bổ sung được chi trả đều hàng tháng cho người lao động, nhưng không được tính vào tiền lương tháng để tính đóng BHXH.
Cụ thể, khoản 3 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH có quy định rõ như sau:
Điều 30. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP…
Cần lưu ý: các loại phụ cấp cho người lao động cần quy định rõ trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các quy chế nội bộ khác của công ty.