Người thực hiện các hành vi trái phép liên quan đến ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị tạm giam trong quá trình giải quyết vụ án.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Chúng tôi nhận được câu hỏi sau đây:
Em muốn hỏi, nếu một người bị bắt quả tang có tàng trữ khoảng hơn 1 gam ma túy ke thì có được tại ngoại không?
Người phạm tội hình sự có thể bị tạm giam trong quá trình giải quyết vụ án. Tùy vào từng tội phạm cụ thể, cũng như lý lịch nhân thân, người phạm tội có thể không bị tạm giam (được tại ngoại) trong quá trình điều tra, xét xử.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, tội phạm ma túy bao gồm những tội sau đây:
- Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện,cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
- Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
- Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy
- Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
- Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy
- Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy
- Điều 253. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy
- Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy
- Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
- Điều 256. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
- Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
- Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
- Điều 259. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể các loại tội danh nào thì người phạm tội sẽ bị tạm giam hoặc được tại ngoại. Thay vào đó, để xem xét quyết định cho người phạm tội được tại ngoại hay bị tạm giam thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào các yếu tố sau đây:
- Mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội đã thực hiện;
- Nhân thân, lý lịch của người phạm tội;
- Sức khỏe của người phạm tội.
Lưu ý: căn cứ các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 người phạm tội sẽ không được tại ngoại nếu rơi vào các trường hợp sau đây:
- Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
- Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
- Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.