Di chúc hợp pháp phải thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc và phải tuân thủ một số điều kiện nhất định
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Ba em hiện nay sức khỏe rất yếu, mong muốn để lại di chúc phân chia tài sản sớm. Nhưng ba em không thể viết giấy hay ký tên được, nên em muốn ba nói ý nguyện của mình để mọi người biết và thực hiện thì có được hay không?
-
Các hình thức di chúc
Pháp luật quy định cho phép di chúc có thể được lập với nhiều hình thức khác nhau tùy vào điều kiện của người lập di chúc như thế nào để lựa chọn cho phù hợp.
Cụ thể Điều 628, Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định có các loại di chúc sau đây:
- Di chúc miệng;
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Tùy vào tình trạng sức khỏe và điều kiện của mình, người lập di chúc có thể lựa chọn các hình thức di chúc phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Trong đó, nếu có thể, tốt nhất nên lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực để bảo đảm giá trị pháp lý tốt nhất.
-
Điều kiện hợp pháp của di chúc miệng
Nguyên tắc chung của một di chúc hợp pháp phải bảo đảm như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Riêng đối với di chúc miệng chỉ được áp dụng khi tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Do vậy, cần lưu ý một số điều kiện sau đây để đảm bảo tính pháp lý của di chúc miệng:
- Phải có ít nhất hai người làm chứng;
- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ;
- Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng: chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng phải được xác nhận tại một tổ chức hành nghề công chức hoặc UBND cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, do di chúc miệng chỉ áp dụng cho người đang bị đe dọa tính mạng, nên:
- Nếu sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.