Công đoàn là tổ chức đại diện người lao động, có vai trò và nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Luật Công đoàn năm 2012;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012, tổ chức công đoàn có nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Khi tham gia tổ chức công đoàn, người lao động phải đóng đoàn phí công đoàn viên. Vậy nếu người lao động không muốn tham gia công đoàn để không đóng khoản phí này được không?
-
Có bắt buộc tham gia công đoàn?
Căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn năm 2012 như sau:
Quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP như sau:
1. Người lao động được quyết định những nội dung sau:
b) Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
Theo các quy định trên, việc gia nhập công đoàn là quyền của người lao động. Do vậy, người lao động tùy theo nhu cầu của mình có thể gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn.
-
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 175. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
- Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:
- Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
Theo quy định trên, doanh nghiệp không được yêu cầu buộc người lao động phải gia nhập công đoàn, đồng thời không được phân biệt đối xử nếu người lao động không gia nhập công đoàn. Trường hợp vi phạm, doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 36 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 36. Vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:
- b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;
Lưu ý:
- Mức xử phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm.
- Mức xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.