Nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với nhà đầu tư nội địa để đầu tư vào Việt Nam theo hình thức BCC và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đầu tư năm 2020.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam bằng cách ký hợp đồng BCC với nhà đầu tư trong nước hoặc với nhà đầu tư nước ngoài khác và thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC tại Việt Nam.
-
Hình thức đầu tư BCC
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hợp đồng BCC phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư năm 2020 Cụ thể như sau:
Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư: Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn sau:
- 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên.
Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư: nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư năm 2020;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Cụ thể, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2020.
Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản ngân hàng, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
-
Thủ tục lập văn phòng điều hành tại Việt Nam của Nhà đầu tư nước ngoài
Căn cứ khoản 3, 4, 5 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2020, thủ tục thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện hợp đồng BCC như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành. Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành gồm: tên và địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu có) của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; tên, địa chỉ văn phòng điều hành; nội dung, thời hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng điều hành; họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đứng đầu văn phòng điều hành;
- Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;
- Bản sao hợp đồng BCC.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của Nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.
-
Thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành tại Việt Nam của Nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành thực hiện hợp đồng BCC theo thủ tục tại Điều 50 Luật Đầu tư năm 2020 như sau:
Bước 1: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành.Hồ sơ bao gồm:
- Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;
- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;
- Danh sách người lao động, quyền và lợi ích của người lao động đã được giải quyết;
- Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế;
- Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Bản sao hợp đồng BCC.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.