Khi hợp đồng thuê nhà ở chấm dứt đúng theo thỏa thuận và quy định pháp luât, chủ sở hữu nhà ở có quyền đòi lại nhà cho thuê và người thuê phải trả lại nhà thuê
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Nhà ở năm 2014;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hợp đồng thuê nhà ở là loại hợp đồng rất phổ biến hiện nay. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 như sau:
Điều 472. Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan
-
Nghĩa vụ trả lại nhà thuê khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở
Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà vì các nguyên nhân như nhà ở cho thuê không còn; nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở; bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận, …
Hợp đồng thuê nhà ở sẽ chấm dứt trong các trường hợp phổ biến sau đây:
- Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn theo thời hạn ghi rõ trong hợp đồng
- Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn sau 90 ngày kể từ ngày bên cho thuê thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà với bên thuê nhà nếu hợp đồng không ghi rõ thời hạn thuê
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn
Khi chấm dứt việc thuê nhà, thì căn cứ Điều 482 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận;
Nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
Ngoài ra, Nếu bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê thực hiện:
- Trả lại tài sản thuê
- Trả tiền thuê trong thời gian chậm trả
- Bồi thường thiệt hại
- Trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận
- Chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả
-
Phạt vi phạm hành chính
Với hành vi không trả lại nhà thuê khi hợp đồng thuê nhà chấm dứt đúng quy định pháp luật, người thuê nhà có thể bị xử phạt hành chính từ 2 – 3 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
d) Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
-
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ mà người có hành vi không trả lại nhà thuê mặc dù hợp đồng thuê nhà đã chấm dứt đúng quy định thì người thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 177 Bộ luật Hình sự như sau:
Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.