Người mua bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ thông tin nhân thân cũng như thông tin về sức khỏe để công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro và cấp hợp đồng bảo hiểm
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Bác em có mua bảo hiểm nhân thọ, năm 2021 bác em bị mắc bệnh nên qua đời. Công ty bảo hiểm nói là do bác em khi mua bảo hiểm khai không bị mắc bệnh gì trong bảng câu hỏi, nhưng công ty bảo hiểm điều tra thấy bác em có khám bệnh ở nhiều nơi và có bị bệnh, nên họ không bồi thường. Vậy có đúng không?
Trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm thường có bảng câu hỏi điều tra về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm, bao gồm các thông tin như đã có khám sức khỏe tại đâu, đang có bệnh tật hay không,… Các thông tin này để doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro để quyết định việc cấp hợp đồng bảo hiểm hay không, cũng như mức phí bảo hiểm nếu cấp hợp đồng.
Trường hợp người mua bảo hiểm cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không trung thực có thể dẫn đến rủi ro doanh nghiệp bảo hiểm không chi trả bồi thường.
Cụ thể căn cứ khoản 2 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Điều 22. Trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin
2. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
Theo quy định trên, nếu khách hàng cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm. Dẫn đến có thể ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người được bảo hiểm như:
- Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
- Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ hoàn lại phí bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận;
- Người mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại nếu có.
Do vậy, khi có dự định mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cần cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm để quyền lợi của mình được bảo vệ tốt nhất.