Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thường được sử dụng trong các giao dịch vay vốn, giao dịch bảo hiểm
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
Bảo lãnh là một biện pháp được sử dụng nhiều trong các giao dịch vay tài sản, trong đó bên cho vay yêu cầu bên vay phải có người đứng ra bảo lãnh cho việc trả nợ.
-
Bảo lãnh tín dụng là gì?
Căn cứ Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, bảo lãnh là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và được định nghĩa như sau:
Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Theo quy định trên, khi vay vốn ngân hàng, hợp đồng bảo lãnh sẽ được ký kết bởi ba bên là: Bên vay, ngân hàng và bên bảo lãnh.
Bên bảo lãnh thường sử dụng tài sản của mình (bất động sản, ô tô cụ thể; hoặc có thể là toàn bộ tài sản) để thế chấp (hoặc có thể tín chấp) cho ngân hàng để bên vay được vay vốn. Bên vay vẫn có nghĩa vụ trả nợ nhưng nếu bên vay không có khả năng trả nợ thì bên bảo lãnh sẽ có trách nhiệm phải trả nợ thay bên vay.
Nội dung hợp đồng bảo lãnh thường có những nội dung chính bao gồm:
- Bên bảo lãnh cam kết trả nợ thay bên vay nếu đến hạn thanh toán nợ gốc và lãi với ngân hàng mà người vay chưa trả được nợ;
- Phạm vi bảo lãnh là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bên vay tiền. Trong đó nghĩa vụ trả nợ của bên vay bao gồm nợ gốc, tiền lãi trong hạn, tiền lãi quá hạn, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại (nếu có),…
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 44 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong các trường hợp sau đây:
- Bên được bảo lãnh không thực hiện trả nợ đúng hạn.
- Bên được bảo lãnh không trả nợ trước hạn theo thoả thuận.
- Bên được bảo lãnh không trả đủ số nợ đã vay.
- Bên được bảo lãnh không thực hiện đúng nội dung của nghĩa vụ.
- Bên được bảo lãnh không có khả năng trả nợ.
- Theo thoả thuận giữa các bên.
-
Khi nào được miễn nghĩa vụ bảo lãnh?
Theo các quy định trên, nếu bên được bảo lãnh (bên vay) không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay.
Do vậy, rất ít trường hợp bên bảo lãnh được miễn nghĩa vụ bảo lãnh của mình. Căn cứ Điều 341 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên bảo lãnh chỉ được miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu bên nhận bảo lãnh (ngân hàng) đồng ý miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh.