Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Do đó, một hợp đồng được đàm phán, soạn thảo và giao kết phù hợp sẽ góp phần đảm bảo được quyền lợi của các bên.
Từ khái niệm hợp đồng được quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự, cho thấy tầm quan trọng của hợp đồng, bởi lẽ nó ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên. Tuy nhiên, qua thực tiễn tham gia giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại về hợp đồng dẫn đến rủi ro cho các bên như nội dung còn sơ sài, thiếu điều khoản cơ bản, thẩm quyền giao kết không đảm bảo, nội dung thỏa thuận trái pháp luật… Vì vậy, chúng tôi trình bày một số lỗi cơ bản khi soạn thảo hợp đồng để quý khách tham khảo.
1. Không tự soạn thảo hợp đồng
Hiện nay, để tìm kiếm một hợp đồng mẫu trên mạng internet thực sự dễ dàng. Nhưng đa phần đều là những hợp đồng có nội dung hết sức cơ bản, và thường không phù hợp với yêu cầu thực tế cho từng vụ việc cụ thể. Nếu cứ vô tư sử dụng mà không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ dẫn đến tồn tại trong hợp đồng những nội dung phi thực tế, thậm chí mâu thuẫn và bất lợi cho doanh nghiệp.
Việc tự mình soạn thảo hợp đồng sẽ giúp cho doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn về nội dung giao dịch kinh tế và đưa ra những điều khoản phù hợp và có lợi cho mình. Đặc biệt có những giao dịch mang đặc thù chuyên ngành, thì không ai có thể hiểu về giao dịch đó hơn chính người trong cuộc.
2. Chủ thế giao kết hợp đồng
Khi các bên đã ngồi vào bàn đàm phán với sự kỳ vọng hợp tác kinh doanh thì không nên ngần ngại yêu cầu mỗi bên phải cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý chứng minh thẩm quyền giao kết hợp đồng. Thẩm quyền giao kết được thể hiện ở nhiều văn bản như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều lệ, quy chế nội bộ, văn bản ủy quyền…
3. Điều khoản thanh toán không rõ ràng
Điều khoản thanh toán là một nội dung cơ bản và cần thiết của hợp đồng, cần đặt ra một nguyên tắc không được phép lướt qua điều khoản này.
Điều khoản thanh toán cần ghi cụ thể thời hạn từng đợt thanh toán, công thức xác định số tiền thanh toán từng đợt, tỷ lệ % hoặc số tiền thanh toán, chế tài do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, số tiền thanh toán bao gồm những khoản mục nào. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần quy định rõ phần thuế, lệ phí, phí do bên nào thanh toán.
4. Thiếu bối cảnh, lý do, mục đích giao kết hợp đồng
Bối cảnh giao kết hợp đồng, lý do, mục đích giao kết hợp đồng là nội dung rất cơ bản có thể xem là phần dẫn nhập, mở đầu của hợp đồng nên rất hay bị bỏ quên khi soạn thảo hợp đồng, tuy nhiên lại đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện hợp đồng của mỗi bên.
Trong pháp luật thương mại, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì có khả năng dẫn đến việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Do đó, bối cảnh, lý do, mục đích giao kết hợp đồng có vai trò quan trọng để tòa án hoặc trọng tài thương mại đánh giá giải quyết tranh chấp.
5. Điều khoản không rõ ràng
Khi soạn thảo hợp đồng, doanh nghiệp nên cố gắng lường trước các tình huống có thể phát sinh để quy định cụ thể các điều khoản liên quan. Tránh việc suy diễn rằng các bên sẽ tự hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trong một trường hợp nào đó.
Ví dụ: Bên mua không nên tự hiểu rằng bên bán có nghĩa vụ lắp đặt, hỗ trợ sử dụng máy móc, thiết bị, và cung cấp các phần mềm quản lý kèm theo; bên bán cũng không nên tự suy diễn rằng bên mua lựa chọn nhà vận chuyển thì bên mua sẽ phải thanh toán chi phí vận chuyển…
Nên quy định rõ trong hợp đồng: bên nào sẽ chịu chi phí vận chuyển; nghĩa vụ vận chuyển của mỗi bên đến địa điểm nào; bên mua có phải thanh toán chi phí lắp đặt, đào tạo hay không, thời gian bên bán đào tạo là bao lâu…
6. Thiếu một số điều khoản
Một số nội dung cũng nên được quy định rõ trong hợp đồng, ví dụ:
- Người liên hệ của mỗi bên,
- Người chịu trách nhiệm chính,
- Phương thức trao đổi thông tin,
- Cách thức sửa đổi hợp đồng,
- Khả năng chuyển nhượng hợp đồng,
- Ngày có hiệu lực của hợp đồng,
- Ngày thực hiện dịch vụ, giao nhận hàng hóa…
Comments 1