Thẩm định pháp lý trong một giao dịch M&A sẽ được thực hiện với nhiều nội dung bao gồm như: xem xét, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của công ty mục tiêu, những rủi ro tiềm ẩn như phạt hành chính, tranh chấp, tính hợp pháp của tài sản …
-
Lý do nội bộ bên bán nên chủ động tự thẩm định pháp lý
Việc thẩm định pháp lý công ty mục tiêu đa phần được bên mua chú trọng quan tâm nhiều, bởi hiệu quả đầu tư của bên mua sẽ gắn liền với hoạt động kinh doanh của công ty mục tiêu trong tương lai. Tuy nhiên, phía bên bán cũng cần quan tâm đánh giá các vấn đề pháp lý nội bộ của mình trong suốt quá trình hoạt động, cũng như trước khi có ý định bán tài sản/thoái vốn khỏi công ty mục tiêu.
Việc bên bán tự mình hiểu được các giá trị, lợi thế, rủi ro của mình trước khi thực hiện chào bán doanh nghiệp giúp cho họ khắc phục các rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn, thiết lập cho doanh nghiệp có tình trạng pháp lý tốt hơn, từ đó mang lại thế mạnh khi thương lượng, đàm phán về giá trị giao dịch, các điều khoản, điều kiện chuyển nhượng, cũng như giúp cho quá trình thương lượng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng đi đến hoàn tất giao dịch, hoặc có phương án dự phòng nếu giao dịch M&A thất bại.
-
Lưu ý gì khi bên bán tự thẩm định pháp lý nội bộ
Thứ nhất: Trước khi thực hiện giao dịch M&A
Trước khi thực hiện giao dịch M&A, nếu bên bán không chủ động rà soát lại tình trạng pháp lý của mình thì có thể dẫn đến việc không cung cấp được cho bên mua các tài liệu về hoạt động của doanh nghiệp. Hoặc cung cấp tài liệu trong đó thể hiện các sai phạm, rủi ro pháp lý mà chưa được khắc phục, hoặc những sai sót không đáng có.
Những sự việc như vậy làm cho bên mua có cái nhìn thiếu sự tin tưởng, không đánh giá cao hoạt động hiện tại của công ty mục tiêu và đưa ra báo cáo thẩm định pháp lý nhiều bất lợi về công ty mục tiêu.
Do vậy, trước khi thực hiện M&A, bên bán nên lưu ý một số vấn đề sau:
a. Việc góp vốn vào công ty mục tiêu
Bên bán cần kiểm tra thận trọng các vấn đề liên quan đến việc góp vốn, tỷ lệ sở hữu trong công ty mục tiêu như sau:
- Các thành viên/cổ đông công ty đã góp vốn đầy đủ, đúng hạn, đúng loại tài sản vào công ty mục tiêu hay không? Đây là căn cứ để xác định phần quyền sở hữu của bên bán trong công ty mục tiêu
- Việc huy động vốn để tăng vốn điều lệ được thực hiện đúng trình tự, thủ tục hay không?
Việc rà soát lại vấn đề này giúp xác định quyền sở hữu của bên bán trong công ty mục tiêu là hợp pháp hay không? Bên bán có quyền bán tài sản hay không? Bên bán có quyền quyết định việc huy động thêm vốn vào công ty mục tiêu hay không?
b. Ngành nghề kinh doanh của công ty mục tiêu
Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, một số ngành nghề kinh doanh có sự hạn chế nhất định về quyền sở hữu, quyền kinh doanh đối với một số nhà đầu tư.
Do đó, bên bán cần rà soát các ngành nghề kinh doanh hiện tại của công ty mục tiêu và những ngành nghề nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó xác định bên mua đã đáp ứng được các điều kiện kinh doanh đó hay chưa? đặc biệc với trường hợp bên mua là nhà đầu tư nước ngoài để có giải pháp phù hợp.
c. Các tài sản quan trọng
Thường công ty mục tiêu sẽ có nhiều tài sản, bên bán nên phân loại từng nhóm tài sản để rà soát pháp lý về quyền sở hữu tài sản đó. Ví dụ:
- Bất động sản: Là tài sản có giá trị lớn, phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng theo quy định pháp luật. Bên bán nên xem xét bất động sản đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hay chưa, tài sản gắn liền với đất được thể hiện trên Giấy chứng nhận hay chưa? giấy phép xây dựng cũng như các tài liệu thể hiện việc tạo lập tài sản, giá trị tài sản đầy đủ hay không? Tài sản được ghi nhận trong sổ sách kế toán như thế nào?
- Quyền sở hữu trí tuệ: Tài sản trí tuệ là loại tài sản có giá trị khai thác thương mại tiềm năng, tạo nên giá trị cho doanh nghiệp. Vì vậy, công ty mục tiêu nên tổng kiểm tra danh mục tài sản trí tuệ, các hợp đồng li xăng, các hợp đồng đặt hàng thiết kế tài sản trí tuệ, thực hiện đăng ký bảo hộ để bảo vệ khả năng khai thác thương mại của tài sản trí tuệ.
d. Các vấn đề khác
Mỗi công ty mục tiêu luôn có sự khác biệt riêng, ngoài ra còn phụ thuộc vào đặc thù của ngành nghề kinh doanh, bên bán nên rà soát các vấn đề khác được cho là quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của mình. Ví dụ có thể xem xét thêm các vấn đề như: pháp lý và tiến độ thực hiện các dự án kinh doanh bất động sản hiện tại; các hạng mục đầu tư đang thực hiện; các vụ kiện tụng đang tham gia; các vấn đề liên quan đến thuế như hoàn thuế, nợ thuế, …
Thứ hai: Trong quá trình thực hiện giao dịch M&A
Trong quá trình thực hiện giao dịch M&A, bên mua thường yêu cầu bên bán cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty mục tiêu để họ đánh giá và đưa ra báo cáo thẩm định pháp lý.
Ngoài ra, bên mua cũng thường yêu cầu bên bán phải cam kết, cam đoan về các thông tin, tài liệu này và chịu trách nhiệm pháp lý như phạt, bồi thường thiệt hại nếu có sự không trung thực. Do vậy Bên bán nên phối hợp cung cấp thông tin và tài liệu trung thực, kịp thời để hạn chế các rủi ro cho mình về sau.