Khi giải quyết quyền trực tiếp nuôi con chung trong vụ án ly hôn, các bên có quyền thỏa thuận vấn đề cấp dưỡng hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này
Cấp dưỡng luôn được đặt ra trong các vụ việc ly hôn, trong đó chủ yếu là một bên vợ, chồng không trực tiếp nuôi con chung phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản cho người được giao trực tiếp nuôi con trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con chung.
Tuy nhiên việc giải quyết vấn đề cấp dưỡng trong vụ án ly hôn có một số vướng mắc như sau:
-
Mức cấp dưỡng
Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định trên, vợ và chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án giải quyết về mức cấp dưỡng. Nhưng, mức cấp dưỡng luôn được căn cứ trên 2 yếu tố bao gồm:
- Thu nhập và khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng;
- Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp tòa án xác định mức cấp dưỡng chưa thực sự phù hợp quy định pháp luật. Ví dụ:
- Vợ chồng thỏa thuận mức cấp dưỡng không đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con. Nguyên tắc giải quyết quyền nuôi con chung là phải bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. Do đó, mức cấp dưỡng theo thỏa thuận của vợ phải tuân thủ nguyên tắc này.
- Tòa án chưa xem xét đầy đủ 2 yếu tố trên, mà chỉ căn cứ trên thu nhập của người phải cấp dưỡng, chưa tính đến nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
-
Thời điểm bắt đầu cấp dưỡng
Pháp luật hiện hành không quy định rõ thời điểm thời điểm thực hiện cấp dưỡng của người có nghĩa vụ. Hiện nay có các quan điểm như sau:
- 1. Thời điểm cấp dưỡng được thực hiện theo thỏa thuận của vợ, chồng. Ngoài ra, một số bản án ly hôn không nêu rõ thời điểm bắt đầu nghĩa vụ cấp dưỡng;
- 2. Thời điểm cấp dưỡng được thực hiện khi tòa án cấp sơ thẩm tuyên án vụ án ly hôn hoặc khi tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định giải quyết vụ án. Điều này căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- 3. Thời điểm cấp dưỡng được thực hiện khi cha, mẹ không sống chung với con. Đó có thể là thời điểm vợ, chồng ly thân, mà không nhất thiết phải chính thức ly hôn. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chúng tôi cho rằng quan điểm thứ 3 là phù hợp, bởi việc cấp dưỡng phải được thực hiện khi cha, mẹ không sống chung với con cái, mà không phụ thuộc vào việc vợ, chồng đã ly hôn hay chưa. Điều này nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi về mọi mặt của con. Đồng thời, quan điểm này cũng không mâu thuẫn với quy định về tố tụng dân sự, bởi Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 điều chỉnh về việc thi hành bản án, quyết định của tòa án chứ không quy định về thời điểm bắt đầu cấp dưỡng (vốn thuộc về nội dung bản án, quyết định của tòa án).
-
Trách nhiệm do chậm thực hiện cấp dưỡng
Thực tế thi hành các bản án, quyết định giải quyết vụ án ly hôn, nhiều cha, mẹ không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng của mình.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy định buộc người chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải trả lãi chậm trả. Do đó, một số tòa án không quy định nếu người không trực tiếp nuôi con chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải trả lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Trong khi đó:
Căn cứ Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 117. Phương thức cấp dưỡng
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
…
Căn cứ Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
Theo các quy định trên, việc cấp dưỡng được thực hiện định kỳ và có thời hạn. Nên việc chậm trễ cấp dưỡng là xâm phạm đến quyền và lợi ích của người được cấp dưỡng (vốn là người phụ thuộc và chưa có khả năng tạo ra thu nhập). Vì vậy, người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà vi phạm thời hạn thực hiện cấp dưỡng thì phải chịu trách nhiệm trả lãi chậm trả để bảo vệ quyền lợi của người được cấp dưỡng.