Đương sự trong vụ án ly hôn phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án để giải quyết vụ án, nếu vắng mặt thì quyền lợi không được đảm bảo tốt nhất.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
|
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi đã nộp đơn ly hôn và đóng tiền án phí, nhưng tòa đã gửi giấy mời 3 lần mà vợ tôi không chịu đến tòa giải quyết. Vợ tôi bỏ đi nơi khác thì tòa có xử vắng mặt luôn được không?
Để giải quyết một vụ án dân sự, tòa án sẽ mời nguyên đơn, bị đơn và tất cả cá nhân, tổ chức liên quan đến tòa để tham gia giải quyết vụ án.
Khi đương sự đến tòa thì có thể tự mình trình bày ý kiến để bảo vệ quyền lợi của mình, nên nếu vắng mặt mà không gửi ý kiến đến tòa án thì quyền lợi của đương sự có thể sẽ không được bảo vệ tốt nhất.
Cụ thể, căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau
Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa; trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai; đương sự hoặc người đại diện của họ; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
- a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa; thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện; và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó; trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
- b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
- c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa; thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
- d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
- đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Theo quy định trên:
- Nếu đương sự là bị đơn: tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà bị đơn vẫn vắng mặt thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt;
- Nếu đương sự là nguyên đơn: tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà nguyên đơn vẫn không tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện.
Trong câu hỏi cụ thể nêu trên, tòa án đã triệu tập người vợ đến lần thứ 3 mà người vợ vẫn không đến tòa làm việc thì tòa án có thể xét xử vụ án ly hôn vắng mặt người vợ.
Trường hợp đương sự bị xét xử vắng mặt thì đương sự đó vẫn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Cụ thể căn cứ Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
Đương sự không có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.