Nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn liên quan đến các vấn đề pháp lý khác nhau.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, với môi trường kinh doanh được cải thiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Để giúp các nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị tốt hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam, chúng tôi tổng hợp một số lưu ý khi thành lập công ty có 100% vốn nước ngoài dưới đây:
-
Xác định loại hình công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài dự kiến thành lập?
Có nhiều hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn hình thức thành lập công ty có 100% vốn của mình chủ động kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Có 2 loại hình công ty chính được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn bao gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (có từ 1 đến 50 thành viên là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài);
- Công ty cổ phần (có từ 3 cổ đông là cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài trở lên).
Thực tế cho thấy, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn được các nhà đầu tư ưa thích và lựa chọn nhiều. Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
-
Xác định ngành nghề kinh doanh và mức vốn đầu tư
Mặc dù Việt Nam đang dần mở cửa tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một số ngành nghề kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế kinh doanh hoặc không được phép kinh doanh tại Việt Nam. Tiến trình mở cửa các ngành nghề này được thực hiện theo các cam kết của Nhà nước Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ví dụ một số ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được kinh doanh tại Việt Nam như sau:
- Dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho phương tiện vận tải
- Dịch vụ công chứng
- Dịch vụ phát thanh, truyền hình
- Kinh doanh xổ số
- Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Dịch vụ vận tải đường ống
- Nhập khẩu sản phẩm thuốc lá nhằm mục đích thương mại
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý, Việt Nam quy định hơn 200 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, nhà đầu tư trong và ngoài nước đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật trước khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành nghề này.
Đối với vốn đầu tư, hiện tại đa số các ngành nghề kinh doanh không có quy định yêu cầu về mức vốn đầu tư tối thiểu. Tuy nhiên, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thẩm định số vốn đầu tư đăng ký có đảm bảo cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hay không. Thực tế thông thường mức vốn được khuyến khích là từ 10.000 USD trở lên.
-
Thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài
Để công ty 100% vốn nước ngoài được chính thức đi vào hoạt động, thông thường phải qua 2 bước thủ tục như sau:
Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC)
- Nhà đầu tư xin cấp IRC tại cơ quan đăng ký đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý Khu công nghiệp/Khu chế xuất.
- Nhà đầu tư phải đăng ký thông tin về dự án đầu tư tại cổng thông tin https://fdi.gov.vn và nộp hồ sơ bản cứng tại cơ quan đăng ký đầu tư. Nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, nhà đầu tư sẽ được cấp IRC trong thời hạn 15 ngày.
- Đối với các dự án đầu tư lớn, đặc thù, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi xin cấp IRC. Việc này sẽ làm tốn thời gian hơn cho nhà đầu tư.
Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)
- Sau khi được cấp IRC, nhà đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục xin cấp ERC để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.
- Nhà đầu tư nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi công ty dự kiến đặt trụ sở. Nhà đầu tư sẽ được cấp ERC trong thời hạn 3 ngày làm việc sau khi nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
- Kể từ thời điểm được cấp ERC, công ty 100% vốn nước ngoài đã được thành lập hợp pháp, có tư cách pháp nhân và có thể ký kết các hợp đồng, thỏa thuận để thực hiện sản xuất, kinh doanh.
-
Những việc quan trọng cần làm sau khi thành lập công ty
Sau khi được cấp IRC và ERC, để công ty hoạt động thuận lợi nhất, nhà đầu tư nước ngoài nên thực hiện các công việc quan trọng như sau:
- Thuê dịch vụ làm con dấu công ty: Công ty có quyền quyết định về hình thức và số lượng, tuy nhiên, con dấu phải có những thông tin tên công ty, địa chỉ và mã số thuế.
- Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp/gián tiếp và tài khoản bằng tiền Việt Nam: Nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp/gián tiếp để rót vốn cho công ty mới thành lập và các thành viên/cổ đông phải góp vốn vào công ty trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được ERC. Tài khoản bằng tiền Việt Nam được sử dụng để giao dịch thanh toán cho các hoạt động của công ty trên lãnh thổ Việt Nam.
- Mua chữ ký số của công ty: Công ty mua chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan bảo hiểm xã hội, đồng thời cũng có thể sử dụng để ký kết hợp đồng với các đối tác kinh doanh.
- Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử: Các công ty tại Việt Nam phải mua dịch vụ hóa đơn điện tử của các nhà cung cấp được cấp phép. Sau khi đăng ký hóa đơn điện tử, công ty có thể xuất hóa đơn bán hàng, hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
- Khai thuế ban đầu với cơ quan thuế.
- Nếu công ty có người lao động là người nước ngoài thì người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động trước khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam.
-
Xin các giấp phép con (nếu có kinh doanh ngành nghề có điều kiện)
Sau khi được cấp ERC, công ty 100% vốn nước ngoài đã có tư cách pháp nhân và có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Công ty có thể kinh doanh trong mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công ty phải thực hiện xin giấy phép/chứng nhận/phê duyệt… liên quan trước khi kinh doanh.
Ví dụ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như sau:
- Hoạt động bán lẻ: phải có giấy phép kinh doanh;
- Kinh doanh nhà hàng: phải có biên bản kiểm tra phòng cháy và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Dịch vụ môi giới lao động: phải có giấy phép thành lập trung tâm môi giới việc làm;
- Sản xuất mỹ phẩm: phải đăng ký lưu hành sản phẩm;
- Thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ: phải có quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ;
- Thành lập trường mầm non, trường trung học: phải có quyết định cho phép thành lập trường học.
Ngoài ra, đối với các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm, nhà đầu tư nước ngoài cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đặt nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các quy định cụ thể riêng.
Nhà đầu tư nên tham vấn ý kiến của các đơn vị tư vấn pháp lý để hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đảm bảo tuân thủ pháp luật và thuận lợi hơn.