Doanh nghiệp phải tham gia và đóng BHXH bắt buộc nếu có nhân sự làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp được tuyển người vào đào tạo nghề để sau đó làm việc chính thức cho mình sau khi kết thúc khóa đào tạo.
-
Doanh nghiệp được nhận người vào để dạy nghề hay không?
Căn cứ Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động
- Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
- Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
- Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
- Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
Theo quy định trên, khi thực hiện đào tạo nghề nghiệp, doanh nghiệp không cần đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên cần lưu ý:
- Doanh nghiệp và người học nghề phải giao kết hợp đồng đào tạo;
- Doanh nghiệp không được thu học phí người học nghề; và
- Phải ký hợp đồng lao động với người học nghề sau khi hoàn thành học nghề nếu đủ điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, nếu người học nghề có tham gia lao động thì được hưởng lương theo thỏa thuận. Vậy nếu người học nghề được nhận lương thì có phải tham gia đóng BHXH hay không?
-
Người học nghề có phải tham gia BHXH bắt buộc?
Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Theo quy định trên, đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Trong khi người học nghề không phải là người lao động tại doanh nghiệp, mà chỉ có mối quan hệ đào tạo với doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo.
Do đó, nếu cá nhân là người học nghề tại doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.