Công ty TNHH hai thành viên có thể giảm vốn điều lệ, nhưng phải tuân thủ điều kiện nhất định để đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi hùn vốn mở công ty TNHH với bạn. Tôi để bạn tôi quản lý toàn bộ hoạt động công ty. Sau 1 năm thì chúng tôi có ý kiến khác nhau nên tôi muốn lấy lại vốn thì bạn cứ hẹn nhiều lần mà không trả. Bây giờ thì bạn nói làm ăn lỗ, không có vốn để trả lại. Vậy tôi có thể lấy lại vốn của mình không?
Trong công ty TNHH hai thành viên, vốn góp của các thành viên đóng góp sẽ tạo thành vốn điều lệ của công ty.
Về nguyên tắc, công ty TNHH hai thành viên có quyền tăng, giảm vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình. Tuy nhiên, do công ty phải sử dụng vốn điều lệ để chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của mình, nên việc thành viên rút vốn ra khỏi công ty thường gặp khó khăn do có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ của công ty.
Căn cứ khoản 2 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 50. Nghĩa vụ của thành viên công ty
2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 51, 52, 53 và 68 của Luật này.
Theo quy định trên, thành viên công ty chỉ được rút vốn đã góp ra khỏi công ty trong các trường hợp sau đây:
-
Thành viên bỏ phiếu không tán thành Nghị quyết của Hội đồng thành viên
Trường hợp này, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình theo quy định tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020 nếu thành viên bỏ phiếu không tán thành các vấn đề sau:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
- Tổ chức lại công ty;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Lưu ý:
- Công ty chỉ được thanh toán tiền mua lại vốn góp nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
- Nếu công ty không thanh toán được phần vốn góp thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty.
-
Thành viên rút vốn bằng cách chuyển nhượng vốn cho người khác
Căn cứ Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thành viên công ty có thể chuyển nhượng vốn góp của mình cho người khác để rút vốn ra khỏi công ty bằng cách:
- Chào bán vốn góp cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
- Chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán. Trường hợp này cần lưu ý: Việc bán cho người không phải là thành viên công ty phải đảm bảo có cùng điều kiện như việc chào bán cho các thành viên còn lại.
-
Thành viên tặng cho vốn góp cho người khác nhưng người được tặng cho không được làm thành viên công ty
Căn cứ khoản 4, khoản 6 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
Thành viên công ty có thể tặng cho phần vốn góp của mình cho người khác. Nếu người này không được Hội đồng thành viên công ty chấp nhận để trở thành một thành viên mới của công ty thì:
- Công ty mua lại vốn góp đó;
- Hoặc người được tặng cho có quyền chuyển nhượng vốn góp cho người khác.
-
Thành viên sử dụng vốn góp để trả nợ
Căn cứ khoản 7 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thành viên có thể dùng vốn góp của mình để trả nợ cho cá nhân, tổ chức khác. Đây cũng có thể được coi là một biện pháp rút vốn góp ra khỏi công ty.
-
Công ty chủ động hoàn trả vốn góp cho thành viên
Căn cứ khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty có thể hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty.
Lưu ý:
- Trường hợp này công ty chỉ hoàn trả một phần vốn góp mà không hoàn trả toàn bộ vốn góp;
- Công ty chỉ được hoàn trả nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Công ty phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.