Khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề dự kiến sẽ hoạt động kinh doanh. Vậy trường hợp doanh nghiệp có phát sinh hoạt động trong ngành nghề chưa đăng ký thì có được chấp nhận hay không? Và hoá đơn trong trường hợp này có bị xem là hoá đơn bất hợp pháp?
Căn cứ pháp lý:
- Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015;
- Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013;
- Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016;
- Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 22/06/2015.
1. Nghĩa vụ thông báo ngành nghề kinh doanh
Trước đây, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP có quy định việc xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh nghiệp có quyền tự do hoạt động kinh doanh trong mọi ngành nghề mà luật không cấm. Chính vì vậy, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn thể hiện nội dung ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và chính phủ đã bãi bỏ quy định xử phạt hành chính nêu trên. Tuy nhiên điều này không có nghĩa doanh nghiệp được kinh doanh mà không thông báo với cơ quan Nhà nước.
Căn cứ Luật Doanh nghiệp:
Điều 7: Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm
Căn cứ Nghị định số 78/2015/NĐ-CP:
Điều 4: Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh
1. Trường hợp bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký…
…
4. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Như vậy, khi phát sinh ngành nghề kinh doanh chưa được đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo theo quy định. Trường hợp không thực hiện, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định.
Căn cứ Nghị định số 50/2016/NĐ-CP:
Điều 31: Vi phạm quy định về về việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh các nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
2. Khai thuế đối với hóa đơn của ngành nghề kinh doanh chưa thông báo
Căn cứ Nghị định số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014:
Điều 7: Thu nhập khác
Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Thu nhập khác bao gồm các khoản thu nhập sau:
1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán …
2. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản …
3. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản …
4. Thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản …; thu nhập về quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ ….
5. Thu nhập từ cho thuê tài sản …
6. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), các loại giấy tờ có giá khác…
7. Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn …
8. Thu nhập từ hoạt động bán ngoại tệ …
9. Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá …
10. Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được.
11. Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ.
12. Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra.
13. Trường hợp doanh nghiệp có khoản thu về tiền phạt, tiền bồi thường …
Theo quy định trên, những khoản thu nhập không thuộc về những ngành nghề đã đăng ký thì được xem là thu nhập khác và doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai đối với các khoản thu nhập này. Tuy nhiên, sau khi đã quy định mở về các khoản thu nhập khác thì cơ quan Nhà nước lại liệt kê một số khoản thu nhập cụ thể như trên làm doanh nghiệp bối rối và khó khăn khi áp dụng.
Để hướng dẫn cho quy định trên, Tổng cục thuế đã có công văn số 1387/TCT-KK ngày 14/4/2015 trả lời hướng dẫn Cục Thuế tỉnh Tây Ninh như sau:
Trường hợp Công ty TNHH Vinkems kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì đề nghị Cục Thuế tỉnh Tây Ninh kiểm tra, xác định nếu trường hợp ngành, nghề kinh doanh của Công ty không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành, nghề bị cấm kinh doanh thì thống nhất với đề xuất tại công văn số 297/CT-TTr ngày 26/01/2015 của Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, cụ thể: chấp nhận việc kê khai thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Vinkems. Cục Thuế tỉnh Tây Ninh hướng dẫn Công ty bổ sung ngành, nghề theo quy định.
Tổng cục Thuế trả lời để các Cục Thuế biết và căn cứ thực tế hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Như vậy có thể hiểu doanh nghiệp được phép kê khai thuế GTGT các hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu các hóa đơn này đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp luật thuế.