Văn phòng đại diện cũng có những khoản thuế phát sinh phải nộp và phải kê khai thuế định kỳ theo quy định pháp luật.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Công văn số 1200/BTC-TCT ngày 24/01/2017 của Bộ Tài chính;
- Công văn số 5366/TCT-KK ngày 27/12/2018 của Tổng Cục thuế.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Luật sư TLT cho em hỏi, em làm việc cho một văn phòng đại diện của công ty nước ngoài ở Việt Nam. Luật sư tư vấn giúp em văn phòng đại diện thì phải nộp và kê khai những báo cáo thuế nào ạ?
Văn phòng đại diện là một hình thức hiện diện thương mại của thương nhân nước ngoài ở Việt Nam. Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020, văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh như doanh nghiệp.
Vì vậy, việc kê khai và nộp thuế của văn phòng đại diện có những đặc điểm sau đây:
-
Đăng ký thuế cho văn phòng đại diện
Căn cứ điểm a.6 khoản 1 Điều 24 Thông tư số 111/2013/TT-BTC
Điều 24. Đăng ký thuế
1. Đối tượng phải đăng ký thuế
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP thì đối tượng phải đăng ký thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập bao gồm:
a.6) Các Ban quản lý dự án, Văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài.
Theo quy định trên, văn phòng đại diện của công ty nước ngoài tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế làm cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho người lao động, cá nhân làm việc cho văn phòng đại diện, nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài.
-
Nghĩa vụ thuế của văn phòng đại diện
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 44. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo quy định trên, văn phòng đại diện không được tiến hành hoạt động kinh doanh. Nên văn phòng đại diện sẽ không phát sinh doanh thu.
Ngoài ra, công văn số 1200/BTC-TCT ngày 24/01/2017 của Bộ Tài chính cũng có hướng dẫn như sau:
Trường hợp nếu Tập đoàn… thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Văn phòng đại diện (VPĐD) có chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dược phẩm, thực phẩm, không tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì VPĐD không phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN, lệ phí môn bài tại Việt Nam. Tuy nhiên, VPĐD phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp Mã số thuế nộp thay theo quy định. VPĐD sử dụng mã số thuế nộp thay để khấu trừ, nộp thay thuế TNCN cho cá nhân làm việc tại VPĐD hoặc khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).
Vì vậy, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam không phải nộp các khoản thuế sau đây:
- Thuế GTGT
- Thuế TNDN
- Lệ phí môn bài
-
Hóa đơn của văn phòng đại diện
Do văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh (không được thực hiện hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ). Vì vậy văn phòng đại diện không sử dụng hóa đơn, kể cả trường hợp khi thanh lý tài sản.
-
Sử dụng chữ ký số
Văn phòng đại diện vẫn có nghĩa vụ kê khai và nộp các khoản thuế khác như thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Vì vậy văn phòng đại diện vẫn có thể mua và sử dụng chữ ký số để kê khai và nộp thuế khi có phát sinh.
Công văn số 5366/TCT-KK ngày 27/12/2018 của Tổng Cục thuế cũng có hướng dẫn như sau:
Văn phòng đại diện… thực hiện đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 110/2015/TT-BTC ... Việc đăng ký, sử dụng chữ ký số và chứng thực số, Văn phòng đại diện… thực hiện theo quy định của Luật giao dịch điện tử.