Doanh nghiệp có thể đưa các thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN tuy nhiên phải tuân thủ các quy định pháp luật về thuế.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC;
- Công văn 796/TCT-CS ngày 20/3/2023 của Tổng cục Thuế;
- Công văn số 43627/CT-HTr ngày 03/7/2015 của Cục thuế TP Hà Nội.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Xin chào Luật sư TLT, công ty tôi thường xuyên có những sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất, những sản phẩm này thì không thể sửa chữa, hay tái chế lại được mà phải hủy bỏ. Vậy chi phí của những sản phẩm này có thể được đưa vào chí phí được trừ thuế TNDN được không?
Khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC, có quy định cho phép doanh nghiệp đưa các tổn thất, thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN. Cụ thể, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ các khoản thiệt hại sau đây:
- Tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường
- Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường
Theo quy định trên, các tổn thất trong quá trình sản xuất do lỗi chủ quan không được liệt kê trong các loại chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.
Ngoài ra, Công văn 796/TCT-CS ngày 20/3/2023 của Tổng cục Thuế có hướng dẫn như sau:
Trường hợp Công ty có hàng hóa bị lỗi, hỏng trong quá trình sản xuất không tái chế lại được và phải thực hiện tiêu hủy không thuộc các trường hợp được quy định của pháp luật thuế TNDN thì giá trị hàng hóa bị tiêu hủy không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công văn số 43627/CT-HTr ngày 03/7/2015 của Cục thuế TP Hà Nội có hướng dẫn như sau:
Về thuế TNDN: Trường hợp Công ty của Độc giả nhập khẩu hàng hóa bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển (tổn thất không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác) thì khoản chi phí hàng hỏng không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Theo các hướng dẫn nêu trên, cơ quan thuế đã căn cứ vào nguyên nhân gây ra thiệt hại để xác định khoản chi có được trừ khi xác định thuế TNDN hay không. Theo đó cơ quan thuế chỉ chấp nhận đối với các thiệt do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.
Tuy nhiên, khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC chỉ liệt kê một số trường hợp được chấp nhận là chi phí được trừ, mà không khẳng định sẽ loại các khoản thiệt hại do nguyên nhân chủ quan.
Trong khi thiệt hại trong quá trình sản xuất là có thể xảy ra, và thực tế doanh nghiệp không mong muốn điều này bởi làm tăng chi phí kinh doanh.
Vì vậy, nếu có sản phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất mà phải hủy bỏ thì doanh nghiệp có thể trao đổi với cơ quan thuế về tình trạng của mình để được xem xét. Tuy nhiên cần lưu ý, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các điều kiện của một khoản chi được trừ được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Đồng thời phải có đầy đủ chứng từ xác định giá trị thiệt hại.