Không hiếm trường hợp sinh con nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với tinh trùng hiến tặng. Những trường hợp này có phát sinh quan hệ thừa kế hay không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó có thể là sinh con từ tinh trùng hiến tặng.
Vậy người hiến tặng và một người con được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng hợp pháp có thể hưởng thừa kế di sản của nhau hay không cần xem xét 2 trường hợp.
-
Thừa kế theo di chúc
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Giữa người lập di chúc để lại di sản và người được thừa kế theo di chúc có thể không tồn tại mối quan hệ huyết thống.
Do vậy, người hiến tặng tinh trùng có thể lập di chúc để định đoạt di sản của mình cho bất kỳ người nào, và người con sinh ra từ tinh trùng hiến tặng cũng có quyền như vậy. Nên về lý thuyết, hai người này hoàn toàn có quyền thừa kế di sản của nhau. Tuy nhiên, di chúc cần chỉ rõ họ, tên người được thừa kế.
-
Thừa kế theo pháp luật
Trường hợp người chết không có di chúc, thì di sản của người đó để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế. Điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, thừa kế theo pháp luật được căn cứ trên nền tảng cơ bản là huyết thống. Nên cần xem xét mối quan hệ pháp luật giữa người hiến tặng tinh trùng và người con sinh ra bằng tinh trùng hiến tặng là gì?
Căn cứ Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau:
Điều 93. Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
2. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.
3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
4. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này.
Theo quy định trên, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản từ tinh trùng hiến tặng không làm phát sinh quan hệ cha con giữa người cho tinh trùng với người con được sinh ra.
Do vậy, người hiến tặng tinh trùng và người sinh ra từ tinh trùng hiến tặng thông qua kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không tồn tại mối quan hệ cha con. Nên nếu không có di chúc, thì hai người này không thể thừa kế di sản của nhau.