Doanh nghiệp phải tổ chức chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến với người lao động nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác giữa doanh nghiệp và người lao động
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau: Công ty tôi đa phần là anh, em, bạn bè thân thiết với nhau nên không tổ chức các buổi đối thoại với người lao động. Nhưng mọi người vẫn họp định kỳ mỗi tháng để cập nhật tình hình kinh doanh. Vậy có được không?
-
Nghĩa vụ tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
Đối thoại tại nơi làm việc là hoạt động tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa doanh nghiệp và người lao động. Tại buổi đối thoại, doanh nghiệp và người lao động cùng có quyền nêu lên nguyện vọng của mình để cùng đạt được lợi ích chung.
Căn cứ khoản 2, 3 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019, hoạt động đối thoại được tổ chức thực hiện như sau:
Điều 63. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
- Định kỳ ít nhất 01năm một lần;
- Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
- Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
3. Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo quy định trên, đối thoại là hoạt động phải được tổ chức định kỳ. Tuy nhiên, hoạt động đối thoại chỉ bắt buộc đối với những doanh nghiệp có quy mô từ 10 người lao động trở lên.
Cụ thể khoản 4 Điều 144 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
4. Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động thì không phải tổ chức hội nghị người lao động và ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc quy định tại Điều 47, Điều 48 Nghị định này. …
Như vậy, theo quy định trên, nếu doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên thì phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu trên.
-
Phạt vi phạm hành chính vì không tổ chức đối thoại
Doanh nghiệp có từ 10 người lao động trở lên mà không tổ chức đối thoại định kỳ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 15. Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
2. Không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý:
- Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân;
- Mức phạt đối với người sử dụng lao động là tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.