Doanh nghiệp có quyền bố trí người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ nếu có nhu cầu, đồng thời phải trả tiền lương làm thêm giờ.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật lao động năm 2012;
- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP;
- Nghị định số 45/2013/NĐ-CP;
- Nghị định số 95/2013/NĐ-CP;
- Nghị định số 88/2015/NĐ-CP.
-
Tiền lương NLĐ được nhận nếu đi làm vào ngày nghỉ lễ, tết
Các ngày nghỉ lễ, tết trong 1 năm dương lịch được quy định rõ tại Điều 115 Bộ luật lao động như sau:
Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch)
Tiền lương ngày lễ, tết mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau:
Điều 26. Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương
2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương
Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết được quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động như sau:
Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Như vậy, căn cứ Điều 97 nêu trên, NLĐ làm việc trong những ngày nghỉ lễ, tết được hưởng các khoản tiền sau:
- 100% tiền lương ngày lễ, tết;
- Và tối thiểu 300% tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
-
NSDLĐ có được cho NLĐ nghỉ bù thay vì trả lương làm thêm giờ hay không?
Hiện nay, pháp luật lao động không có quy định nào về việc cho phép NSDLĐ có quyền cho NLĐ nghỉ bù để không phải trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ đi làm vào ngày nghỉ lễ, tết.
Xem xét nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 96 Bộ luật lao động:
Điều 96. Nguyên tắc trả lương
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương
Theo quy định trên có thể thấy nguyên tắc là NSDLĐ phải trả tiền lương đầy đủ và đúng hạn cho NLĐ.
Xem xét các quy định về việc nghỉ bù theo pháp luật lao động hiện hành. Có 2 trường hợp liên quan đến việc nghỉ bù của NLĐ được quy định tại Bộ luật lao động như sau:
Điều 115. Nghỉ lễ, tết
3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp
Điều 106. Làm thêm giờ
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ
Như vậy, có thể thấy rằng NSDLĐ không được cho NLĐ nghỉ bù để không phải trả tiền lương cho NLĐ làm việc trong những ngày nghỉ lễ, tết.
-
Xử phạt hành chính do vi phạm quy định về tiền lương
Việc NSDLĐ không trả đầy đủ tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ làm việc trong những ngày nghỉ lễ, tết có thể bị NLĐ khiếu nại, khởi kiện và bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động được quy định tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP như sau:
Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương
3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.