Doanh nghiệp mượn tiền của giám đốc dùng làm nguồn vốn kinh doanh có thể được coi là giao dịch liên kết?
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 132/2020/NĐ-CP;
- Công văn số 1716/CTBPH-TTHT ngày 28/5/2024 của Cục thuế tỉnh Bình Phước.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Xin chào Luật sư TLT, em làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ, công ty có khoản mượn tiền của giám đốc để bổ sung nguồn vốn kinh doanh thì có phải giao dịch liên kết không vậy ạ?
Trong quá trình hành nghề, Luật sư TLT nhận được nhiều câu hỏi có nội dung tương tự như trên. Thực tế khi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể thiếu vốn hoạt động hoặc tiền mặt bị âm vì nhiều lý do. Vì vậy, nhân viên kế toán thường xử lý bằng cách mượn tiền của giám đốc.
Căn cứ khoản 2 Điều 1, Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
2. Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
- Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
- a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
- b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
- Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:
- …
- l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.
Theo các quy định trên, trường hợp doanh nghiệp vay tiền của cá nhân là người điều hành, người kiểm soát doanh nghiệp thì có thể được coi là giao dịch liên kết nếu:
- Giá trị khoản vay chiếm ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế.
Hiện nay, có quan điểm cho rằng giao dịch mượn tiền không phải là giao dịch vay tiền, do đó trường hợp trên không thể coi là giao dịch liên kết.
Tuy nhiên, theo pháp luật dân sự, mượn tài sản thường được áp dụng đối với vật đặc định, trong khi tiền là tài sản đặc biệt và người mượn tiền sẽ đưa khoản tiền đó vào lưu thông. Nên mặc dù các bên gọi là mượn, nhưng bản chất đó là khoản vay không có lãi suất.
Vì vậy, công ty nếu có phát sinh mượn tiền của giám đốc (là người điều hành doanh nghiệp) mà số tiền mượn chiếm từ 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm mượn thì được coi là giao dịch liên kết.
Ngoài ra, Công văn số 1716/CTBPH-TTHT ngày 28/5/2024 của Cục thuế tỉnh Bình Phước cũng có hướng dẫn như sau:
Trường hợp nếu Công ty mượn tiền của giám đốc là người điều hành, kiểm soát doanh nghiệp và số tiền mượn ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế thì được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với cá nhân điều hành, kiểm soát Công ty là giao dịch liên kết theo quy định tại điểm 1 khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ.