Xuất nhập khẩu là hoạt động đặc thù và có những quy định pháp luật riêng. Vậy doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài có phải đăng ký kinh doanh hay không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng như sau: Công ty em đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh, bán hàng ra nước ngoài. Em có cần phải đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hay không? Và nếu có thì thủ tục đăng ký như thế nào?
Để hàng hóa được xuất khẩu ra nước ngoài, hàng hóa phải nằm ngoài danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn hoạt động xuất khẩu thì không bị hạn chế.
-
Doanh nghiệp có phải đăng ký kinh doanh xuất khẩu?
Căn cứ khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về quyền của doanh nghiệp như sau:
Quyền của doanh nghiệp:
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu:
1. Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
Theo các quy định trên, kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu là một hoạt động thuộc quyền của doanh nghiệp. Đây không phải là ngành nghề kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp không phải đăng ký kinh doanh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Khi thực hiện xuất khẩu, doanh nghiệp căn cứ vào từng loại hàng hóa cụ thể sẽ có những quy định riêng để xuất khẩu hàng hóa đó. Cụ thể nguyên tắc thủ tục thực hiện được quy định tại Điều 4 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP như sau:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
- Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
- Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.
-
Hàng hóa bị cấm xuất khẩu?
Như đã nêu trên, hoạt động xuất khẩu không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có đăng ký hoạt động xuất khẩu hay không? mà phụ thuộc vào loại hàng hóa được xuất khẩu.
Căn Điều 5 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP về hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu như sau:
Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu:
- Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Nghị định này.
- Căn cứ Phụ lục I Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.
- Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép xuất khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu; cho phép nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Theo quy định trên, khi thực hiện xuất khẩu, doanh nghiệp phải căn cứ danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu được quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP để thực hiện.