Hợp đồng lao động là cơ sở để người lao động thực hiện công việc, đồng thời cũng là căn cứ để bảo đảm quyền lợi của người lao động
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Nếu hợp đồng được ghi bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động với người lao động thì người lao động chịu nhiều rủi ro không được đảm bảo các quyền lợi của mình như: chế độ tiền lương, các loại bảo hiểm bắt buộc, an toàn lao động, …
-
Công ty phải ký hợp đồng lao động như thế nào?
Nguyên tắc chung, công ty phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản, và người lao động sẽ được giữ 1 bản. Các thỏa thuận lao động dưới dạng tin nhắn, email, fax… cũng được coi là hợp đồng lao động dưới dạng văn bản.
Tuy nhiên nếu thời hạn làm việc dưới 01 tháng thì hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng lời nói. Trừ 3 trường hợp sau:
- Nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động;
- Hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
-
Công ty không ký hợp đồng lao động bị xử phạt ra sao?
Theo nội dung đã nêu trên, công ty phải ký hợp đồng lao động với người lao động để làm căn cứ thực hiện cho hai bên. Nếu công ty không ký kết hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Cần lưu ý, căn cứ Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định nêu trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP, công ty phải thực hiện khắc phục hậu quả là phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo đúng quy định pháp luật.