Cha mẹ có quyền thỏa thuận về mức cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án quyết định.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Trước đây khi ở tòa ly hôn, vợ chồng tôi đã thỏa thuận hàng tháng chồng phải cấp dưỡng 5 triệu để tôi nuôi con và tòa án đã ra quyết định ly hôn. Giờ tôi muốn tăng tiền cấp dưỡng lên nhưng anh ta không chịu. Tôi muốn hỏi tôi có quyền đòi mức cấp dưỡng cao hơn không?
Về nguyên tắc, sau khi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện cấp dưỡng đúng theo nội dung bản án, nên họ cũng có quyền từ chối cấp dưỡng vượt quá mức phán quyết của tòa án.
Thực tế sau khi ly hôn, cuộc sống hai bên vợ, chồng có nhiều thay đổi, có thể một bên không còn việc làm, hoặc chi phí nuôi con tăng lên. Dẫn đến mức cấp dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án không đủ để người trực tiếp nuôi con trang trải cuộc sống. Do đó, hai bên vẫn có thể thỏa thuận lại mức cấp dưỡng mới.
Căn cứ Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Điều 116. Mức cấp dưỡng
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định trên, mặc dù sau khi đã ly hôn, mức cấp dưỡng đã được ghi rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Nhưng với bản chất là thỏa thuận dân sự nên mức cấp dưỡng vẫn có thể thay đổi.
Hai bên vẫn có quyền thỏa thuận lại mức cấp dưỡng khác, nếu không thỏa thuận được thì có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu tòa án quyết định.
Tuy nhiên cần lưu ý:
- Người yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng phải đưa ra lý do chính đáng;
- Mức cấp dưỡng mới phải căn cứ khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.