Đặt cọc là một biện phải bảo đảm, một bên giao tài sản đặt cọc cho bên kia trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Khi đặt cọc mua bán nhà đất, các bên thường đặt cọc trong một thời hạn nhất định trước khi chính thức ký hợp đồng mua bán công chứng. Vậy chủ nhà đất có thể cho người khác đứng ra nhận tiền đặt cọc thay mình hay không?
Điều 328 Bộ luật Dân sự số 2015 quy định về việc đặt cọc như sau:
Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khi hai bên tiến hành giao kết hợp đồng đặt cọc thì đó là một giao dịch dân sự và phải tuân theo các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự. Do vậy, đối chiếu với quy định trên, bên đặt cọc và bên nhận cọc là chủ thể của giao dịch dân sự, nên hai bên phải tự mình thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc.
Việc bên nhận cọc để người khác nhận tiền cọc thay mình cần phải có thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc hoặc có giấy ủy quyền nhận tiền cọc.
Nếu không có ủy quyền nhận tiền cọc sẽ dẫn đến rủi ro không đáng có bởi không có tài liệu thể hiện đã có sự giao nhận tiền cọc, gây khó khăn khi tiếp tục thực hiện giao dịch mua bán cũng như khi giải quyết tranh chấp (nếu có xảy ra).