Doanh nghiệp thuê mướn người làm việc thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đóng thì khoản tiền lương phải trả được tính vào chi phí được trừ hay không?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 123/2012/TT-BTC (đã hết hiệu lực từ ngày 02/8/2014);
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC;
- Công văn số 3884/TCT-CS ngày 18/11/2013 của Tổng cục Thuế.
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên thực tế nhiều doanh nghiệp vì nhiều lý do không thực hiện đúng nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho nhân viên. Với những trường hợp như vậy, doanh nghiệp vẫn có thể được xem xét tính khoản tiền lương cho các đối tượng này vào chi phí hợp lý được trừ nếu các khoản đó là thực tế chi trả.
Doanh nghiệp phải có hồ sơ, chứng từ chi trả lương bao gồm:
- Chứng từ chi tiền lương,
- Bảng lương,
- Hợp đồng lao động,
- Kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân.
Việc doanh nghiệp vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội thì bị xử lý theo các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, ngày 18/11/2013, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 3884/TCT-CS hướng dẫn như sau:
Các chi phí tiền lương, tiền công, tiền thưởng thực chi cho người lao động:
- Có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,
- Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp
- Và không thuộc các khoản quy định tại điểm 2.5 khoản 2 Điều 6 Thông tư 123/2012/TT-BTC (Hiện tại được thay thế bằng điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC)
Thì được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về đóng bảo hiểm xã hội thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.