Hóa đơn, chứng từ của các khoản chi ăn uống, tiếp khách cần lưu ý đúng quy định để được tính vào chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế TNDN.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC;
- Thông tư số 32/2011/TT-BTC;
- Công văn số 15176/CTHN-TTHT ngày 11/05/2021 của Cục thuế TP Hà Nội.
Hiện nay một số nhà hàng xuất hóa đơn cho dịch vụ ăn uống với nội dung là “dịch vụ ăn uống”. Mặc dù việc cung cấp dịch vụ có diễn ra thực tế, tuy nhiên việc ghi tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn một cách chung chung “dịch vụ ăn uống” là chưa đúng quy định pháp luật, và bên khách hàng khi ghi nhận hóa đơn này phải chịu rủi ro về thuế.
-
Đối với hóa đơn giấy
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
Điều 19. Lập hóa đơn khi danh mục hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn số dòng của một số hóa đơn
2. Người bán hàng được sử dụng bảng kê để liệt kê các loại hàng hóa, dịch vụ đã bán kèm theo hóa đơn.
…
b) Nội dung trên bảng kê
Bảng kê do người bán hàng tự thiết kế phù hợp với đặc điểm, mẫu mã, chủng loại của các loại hàng hóa nhưng phải đảm bảo các nội dung chính như sau:
+ Tên người bán hàng, địa chỉ liên lạc, mã số thuế
+ Tên hàng, số lượng, đơn giá, thành tiền. Trường hợp người bán hàng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng”, “tiền thuế giá trị gia tăng”. Tổng cộng tiền thanh toán (chưa có thuế giá trị gia tăng) đúng với số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Theo quy định trên, nếu chủng loại hàng hóa nhiều hơn số dòng của hóa đơn giấy thì người bán phải lập bảng kê chủng loại hàng hóa đã bán.
Do đó, khi cung cấp dịch vụ ăn uống, nếu chủng loại hàng hóa/món ăn, thức uống vượt quá trang hóa đơn giấy, dẫn đến trên hóa đơn giấy phải ghi chung là “dịch vụ ăn uống” thì người bán phải lập bảng kê món ăn, thức uống mà khách hàng đã sử dụng.
-
Đối với hóa đơn điện tử
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC về nội dung của hóa đơn điện tử, không quy định việc người bán lập bảng kê hàng hóa kèm theo hóa đơn, nhưng hóa đơn điện tử không bị giới hạn về số trang như hóa đơn giấy. Nên hóa đơn điện tử có khả năng thể hiện đầy đủ các loại hàng hóa đã mua bán trên hóa đơn.
Vì vậy, đối với dịch vụ ăn uống, cho dù có nhiều chủng loại món ăn, thức uống nhưng người bán phải thể hiện đầy đủ tất cả các loại món trên hóa đơn điện tử xuất cho khách hàng.
Ngoài ra, Công văn số 15176/CTHN-TTHT ngày 11/05/2021 của Cục thuế TP Hà Nội đã có hướng dẫn như sau:
- Trường hợp hóa đơn đầu vào là hóa đơn giấy thì nội dung trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC và bảng kê đính kèm trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 39/2014/TT-BTC .
- Trường hợp hóa đơn đầu vào là hóa đơn điện tử thì nội dung trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC và trên hóa đơn phải thể hiện đầy đủ danh mục hàng hóa bán ra đảm bảo nguyên tắc thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011.