Khi bên kia đã vi phạm hợp đồng nghiêm trọng, bạn vẫn tiếp tục hợp đồng để làm tròn nghĩa vụ của mình hay chấm dứt hợp đồng để hạn chế thiệt hại?
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Trong một hợp đồng dịch vụ thiết kế phần mềm, nếu bên thực hiện dịch vụ vi phạm thời hạn thực hiện, không hoàn thành được bất kỳ hạng mục nào, trong khi bạn đã thanh toán 50%. Vậy bạn tiếp tục thanh toán theo tiến độ thời gian hay chấm dứt hợp đồng để hạn chế thiệt hại vì không còn niềm tin vào bên thực hiện dịch vụ?
Thực tế hoạt động thương mại, có rất nhiều trường hợp tương tự như trên, và để quyết định nên làm gì trong trường hợp bên thuê dịch vụ là điều không dễ dàng. Việc chấm dứt hợp đồng nếu không có căn cứ vững chắc có thể là rủi ro trở thành bên vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại.
Do đó, việc đàm phán và soạn thảo hợp đồng rất quan trọng để khi có tình huống này xảy ra thì việc giải quyết tranh chấp dễ dàng hơn.
Mặc dù vậy, pháp luật cũng có các quy định để một bên có thể áp dụng khi bên kia vi phạm hợp đồng nhằm hạn chế thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
-
Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là một biện pháp chế tài trong quan hệ thương mại được quy định tại Điều 310 Luật Thương mại năm 2005.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện hợp đồng, mặc dù họ vẫn còn quyền lợi và nghĩa vụ chưa thực hiện trong hợp đồng đó.
Ví dụ: Bên A thỏa thuận mua thiết bị của Bên B và đã thanh toán được 80% giá trị hợp đồng. Bên B đã giao thiết bị nhưng không đúng quy cách thiết kế, làm cho Bên A không thể sử dụng thiết bị đó để kết nối với các máy móc của họ nên không thể vận hành được. Bên A yêu cầu Bên B thay đổi thiết bị, nhưng Bên B không thể thực hiện được trong thời gian hợp lý. Nên Bên A đã chấm dứt thực hiện hợp đồng, không tiếp tục thanh toán. Trường hợp này là Bên A đang thực hiện chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng để hạn chế thiệt hại lớn hơn cho mình.
-
Khi nào được đình chỉ thực hiện hợp đồng?
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là một biện pháp chế tài. Do đó, biện pháp này chỉ được thực hiện khi đã có hành vi vi phạm hợp đồng.
Các trường hợp đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không xuất phát từ nguyên nhân có sự vi phạm hợp đồng hoặc do thỏa thuận thì đều có khả năng dẫn đến hành vi đình chỉ đó trở thành hành vi vi phạm hợp đồng.
Căn cứ Điều 310 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
Điều 310. Đình chỉ thực hiện hợp đồng
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Theo quy định trên, trừ khi một hành vi vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm, một bên sẽ được sử dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu:
- Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện để được đình chỉ thực hiện hợp đồng; Và điều kiện này được ghi rõ trong hợp đồng;
- Hoặc bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Quy định trên mang tính nguyên tắc chung để xác định khi nào thì một bên được đình chỉ thực hiện hợp đồng. Nên để dễ dàng cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như khi giải quyết tranh chấp (nếu có), khi đàm phán và soạn thảo hợp đồng các bên nên đưa vào hợp đồng các nội dung cụ thể như sau:
- Khi xảy ra điều kiện nào (vi phạm nào) thì được đình chỉ thực hiện hợp đồng?
- Bên đình chỉ thực hiện hợp đồng phải thực hiện thông báo như thế nào?
- Mỗi bên phải làm gì khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện?
Ví dụ đối với hợp đồng mua bán hàng hóa:
- Bên mua có thể đưa vào những vi phạm của bên bán là điều kiện để bên mua được đình chỉ thực hiện hợp đồng: không giao hàng, giao hàng không đầy đủ, giao hàng không đúng thời hạn, không đúng chủng loại, không đúng chất lượng, …
- Bên bán có thể đưa vào những vi phạm của bên mua là điều kiện để bên bán được đình chỉ thực hiện hợp đồng: không nhận hàng, không thanh toán, thanh toán không đúng thời hạn, …
-
Hệ quả của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng
Căn cứ Điều 311 Luật Thương mại năm 2005 như sau:
Điều 311. Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng
- Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.
- Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.
Theo quy định trên, khi hợp đồng bị đình chỉ thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Điều này dẫn đến:
- Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ còn lại của mình;
- Mỗi bên có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng với phần nghĩa vụ mình đã thực hiện trước khi hợp đồng chấm dứt.
Lưu ý:
- Việc đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không có căn cứ thì việc đình chỉ đó lại trở thành hành vi vi phạm hợp đồng;
- Việc đình chỉ thực hiện hợp đồng có tác động trực tiếp đến một bên trong hợp đồng. Nên bên đình chỉ thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết việc đình chỉ của mình. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.