Một bên có quyền yêu cầu bên kia tôn trọng và thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005.
Trong quan hệ thương mại thực tế, không hiếm trường hợp các bên trong hợp đồng không thực hiện đúng tất cả những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng, mà có thể có những vi phạm nhỏ hoặc thậm chí nghiêm trọng làm một bên thiệt hại.
Ví dụ: trong hợp đồng mua bán, các bên thỏa thuận bên mua phải thanh toán trước 20% trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng để bên bán thực hiện các thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, hết thời hạn 10 ngày thì bên mua chỉ thanh toán trước được 10% nên bên bán gửi email nhắc nhở bên mua phải thanh toán tiếp 10% còn lại để nhập hàng. Trường hợp này bên mua đang thực hiện chế tài buộc bên mua thực hiện đúng hợp đồng.
Như vậy, khi một bên vi phạm nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thì bên có quyền lợi đối ứng có quyền yêu cầu họ phải tuân thủ và thực hiện đúng hợp đồng.
-
Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng
Về nguyên tắc, hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên, và mỗi bên phải tuân thủ những gì đã giao kết để hợp đồng được thực hiện đúng. Nên khi một bên không thực hiện đúng công việc (nghĩa vụ) của mình thì bên kia có quyền yêu cầu họ phải thực hiện đúng, trừ khi công việc (nghĩa vụ) đó là không thể thực hiện được.
Ví dụ: Bên A thuê mặt bằng văn phòng của Bên B để làm trụ sở. Các bên thỏa thuận số lượng người tối đa mà Bên A được đưa vào văn phòng cùng một thời điểm là không quá 10 người. Tuy nhiên Bên A tổ chức hội họp, nên đã có tới 12 người trong cùng một thời điểm. Trường hợp này, Bên B có quyền yêu cầu Bên A phải điều chỉnh số lượng người để tuân thủ không quá 10 người cùng lúc.
Buộc thực hiện đúng hợp đồng luôn nhằm mục đích để hợp đồng được thực hiện đúng. Do đó, buộc thực hiện đúng hợp đồng có thể được thực hiện bằng hai phương án:
- Bên vi phạm tự mình thực hiện đúng nghĩa vụ;
- Hoặc bên bị vi phạm có thể bằng biện pháp nào đó thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phải chịu chi phí.
Lưu ý:
- Bên bị vi phạm cần chứng minh lợi ích hợp pháp của mình đã đến hạn theo hợp đồng mà chưa được bên có nghĩa vụ đáp ứng.
- Đôi khi công việc (nghĩa vụ), thậm chí đối tượng của hợp đồng là không thể thực hiện được. Nên dẫn đến không thể yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng. Ví dụ: tại thời điểm nhất định thì hàng hóa đã không còn tồn tại, hàng hóa bị áp lệnh cấm kinh doanh, …
-
Khi nào được yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng?
Với bản chất là một biện pháp chế tài trong quan hệ thương mại. Do đó một bên chỉ được đưa ra yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng nếu bên kia có hành vi vi phạm hợp đồng.
Thực tế có trường hợp một bên vẫn đưa ra thông báo nhắc nhở, yêu cầu bên kia phải thực hiện đúng nghĩa vụ, trong khi nghĩa vụ đó chưa đến hạn. Điều này không phải là việc thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng do chưa có hành vi vi phạm hợp đồng.
-
Các biện pháp để hợp đồng được thực hiện đúng
Khi bên bị vi phạm hợp đồng đưa ra yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng, sẽ có 2 phương án để hợp đồng được thực hiện đúng (bảo vệ hợp đồng) như sau:
- Bên vi phạm tự mình thực hiện đúng nghĩa vụ;
- Hoặc bên bị vi phạm có thể bằng biện pháp nào đó thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phải chịu chi phí.
Khi áp dụng vào hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng dịch vụ, sẽ có các trường hợp như sau:
- Nếu bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc thực hiện dịch vụ không đúng thì phải giao đủ hàng hoặc thực hiện dịch vụ theo đúng thoả thuận.
- Nếu bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải giao hàng thay thế hoặc khắc phục chất lượng hàng hóa, khắc phục chất lượng dịch vụ.
- Nếu bên vi phạm không khắc phục các vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, thuê dịch vụ của người khác để thay thế hoặc sửa chữa. Khi đó bên vi phạm phải trả chi phí liên quan nếu có.
- Nếu bên vi phạm là bên mua, bên thuê dịch vụ thì bên bán, bên thực hiện dịch vụ có quyền yêu cầu bên mua, bên thuê dịch vụ phải thực hiện thanh toán, nhận hàng và các nghĩa vụ khác theo hợp đồng và pháp luật.
- Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường, yêu cầu phạt nếu hợp đồng không có quy định khác.
- Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng để thực hiện các phương án khác như: kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ, thay thế nghĩa vụ bị vi phạm bằng nghĩa vụ khác, …
-
Xử lý nếu hợp đồng vẫn không được thực hiện đúng sau khi đã yêu cầu
Về nguyên tắc, các bên có quyền thỏa thuận thực hiện hợp đồng theo hoàn cảnh thực tế.
Tuy nhiên, nếu sau khi bên bị vi phạm yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng mà bên vi phạm vẫn không khắc phục trong thời hạn được ấn định thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng các chế tài khác như:
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng
- Huỷ bỏ hợp đồng
Tuy nhiên, việc áp dụng các chế tài khác nêu trên cần đảm bảo có căn cứ, tránh việc áp dụng chế tài lại trở thành một hành vi vi phạm hợp đồng. Do đó, tốt nhất nên quy định các điều kiện để được áp dụng các chế tài trong hợp đồng.