Đánh giá hồ sơ đòi nợ là một bước cơ bản ban đầu nên thực hiện để tăng khả năng thu hồi một khoản nợ khó đòi.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Hãy hình dung bạn đang có một khoản nợ cần thu hồi. Nhưng con nợ lại viện nhiều lý do để trì hoãn trả nợ, hoặc bặt vô âm tín, thậm chí con nợ cho rằng không có khoản nợ, hay nghiêm trọng hơn họ còn đưa ra yêu cầu bồi thường ngược lại đối với bạn.
Để hạn chế những tình huống trên và lên kế hoạch chuẩn bị trước khi đòi nợ, cũng như tăng khả năng đòi nợ thành công, bạn nên dành thời gian để đánh giá lại hồ sơ đòi nợ của mình.
Dưới đây là một số gợi ý đánh giá khoản đòi nợ để bạn tham khảo:
-
Đối với khoản nợ vay dân sự thông thường
- Hãy xem xét giá trị pháp lý của giao dịch vay tiền: Khoản vay có giấy tờ hay không? Giấy tờ vay có được công chứng/chứng thực hay không? Liệu giao dịch đó là vay tiền hay bản chất là cho tặng/hùn hạp làm ăn/hay giao dịch khác?
- Các tài liệu chứng minh khoản nợ: Hình ảnh, video, tin nhắn trao đổi qua lại giữa các bên, giấy tờ giao nhận tiền, sao kê chuyển khoản ngân hàng, có người làm chứng hay không?
- Nội dung giao dịch vay tiền: Thời hạn vay bao lâu? Có lãi hay không? Nếu có lãi thì lãi suất bao nhiêu? Có cầm cố, thế chấp tài sản hay không?
- Khoản nợ có tranh chấp hay không: Ý kiến của con nợ hiện tại như thế nào? Có phản hồi yêu cầu đòi nợ hay không?
- Xác định con nợ: Con nợ bao gồm những ai? Có quan hệ vợ chồng hay không? Địa chỉ cư trú ở đâu? Con nợ có tài sản nào hay không?
- Cần củng cố thêm các chứng cứ gì trước khi đưa vụ việc đòi nợ ra cơ quan Nhà nước?
-
Đối với khoản nợ từ hợp đồng kinh doanh thương mại
- Xem xét giá trị pháp lý của hợp đồng thương mại: Người ký kết đúng thẩm quyền hay không? Ủy quyền ký hợp đồng hợp lệ không? Hợp đồng có phải công chứng/chứng thực hay không?
- Kiểm tra pháp lý quyền đòi nợ: Đã phát sinh quyền đòi nợ hay chưa? Có đầy đủ chứng từ nghiệm thu hay không? Khoản nợ đã đến hạn thanh toán chưa? Mỗi bên đã thực hiện nghĩa vụ của mình đến đâu? Nghĩa vụ thanh toán có đi kèm theo điều kiện nào hay không? Chế tài nếu thanh toán trễ hạn là gì?
- Thông tin khoản nợ: Chính xác số nợ là bao nhiêu? Thời gian quá hạn là bao lâu? Có thỏa thuận phạt, lãi chậm thanh toán không?
- Các chứng từ liên quan: Hồ sơ nghiệm thu, chứng từ giao hàng, hóa đơn, biên bản đối chiếu công nợ/hoặc văn bản có giá trị tương tương, người ký kết các văn bản này có thẩm quyền hay không? Các trao đổi giữa hai bên qua công văn, email? Có người làm chứng không?
- Tình hình hiện tại của con nợ: Ý kiến của con nợ hiện tại là gì? Con nợ đang có dự án sản xuất kinh doanh khác hay không? Địa chỉ trụ sở chính ở đâu? Người đại diện pháp luật hiện tại là ai? Dự án hợp tác giữa hai bên được thực hiện ở đâu?
- Khoản nợ có đơn vị khác bảo lãnh hay không? Có cầm cố, thế chấp tài sản không?