Khi giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tố tụng luôn xem xét đến các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ để truy tố và có bản án đúng quy định pháp luật
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của Tòa án nhân dân Tối cao.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Tôi muốn hỏi mâu thuẫn hàng xóm láng giềng từ việc vứt rác bừa bãi, hát karaoke ngoài đường ảnh hưởng đến hàng xóm, dẫn đến xô xát, đánh nhau gây thương tích có phải là tình tiết tăng nặng là có tính chất côn đồ hay không?
-
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là gì?
Trong một vụ án hình sự, tòa án luôn xem xét đến các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ để đưa ra hình phạt phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Việc áp dụng tình tiết tăng nặng sẽ dẫn đến hình phạt dành cho bị cáo ở mức cao hơn mức hình phạt thông thường. Nếu 2 người cùng có hành vi như nhau, hậu quả của hành vi là tương đương thì người bị áp dụng tình tiết tăng nặng sẽ phải nhận hình phạt cao hơn.
Do vậy, tòa án không được phép đặt ra tình tiết tăng nặng mới, mà chỉ được áp dụng các tình tiết tăng nặng theo luật định.
-
Tình tiết cụ thể nào được coi là tăng nặng trách nhiệm hình sự?
Căn cứ Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, tòa án chỉ được áp dụng các tình tiết tăng nặng sau đây:
- a) Phạm tội có tổ chức;
- b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
- d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
- đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
- e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
- g) Phạm tội 02 lần trở lên;
- h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
- k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
- l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
- m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
- n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
- o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
- p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
Lưu ý:
Nếu trong một tội danh đã có quy định các tình tiết nêu trên là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì các tình tiết này sẽ không còn được coi là tình tiết tăng nặng.
Trong câu hỏi cụ thể nêu trên, để đánh giá một hành vi có tính chất côn đồ hay không cần xem xét đến nhiều yếu tố khác như:
- Nhân thân;
- Hung khí, phương tiện và cách thức sử dụng chúng để phạm tội;
- Mâu thuẫn là gì? và nguyên nhân mâu thuẫn. Mâu thuẫn đã có từ trước qua thời gian dài hay mới phát sinh. Mâu thuẫn có đi kèm với các lợi ích khác hay không?
- Thời gian, không gian, địa điểm phạm tội;
- Đặc điểm tâm lý, sinh lý của người phạm tội;
- Các điều kiện khác dẫn đến vụ việc, …
Ngoài ra, căn cứ Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về tính côn đồ như sau:
Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ.
Do vậy, để kết luận hành vi phạm tội phát sinh từ mâu thuẫn hàng xóm láng giềng từ việc vứt rác bừa bãi, hát karaoke ngoài đường có phải là côn đồ hay không, tòa án sẽ phải xem xét vụ án một cách tổng mới có thể đưa ra quyết định.
-
Các tình tiết tăng nặng chỉ áp dụng cho pháp nhân thương mại
Các tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 52 nêu trên được áp dụng cho cá nhân phạm tội.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội hình sự thì các tình tiết tăng nặng có thể áp dụng được quy định tại Điều 85 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
- a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;
- b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;
- c) Phạm tội 02 lần trở lên;
- d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
- đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
- e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
Lưu ý:
Nếu trong một tội danh đã có quy định các tình tiết nêu trên là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì các tình tiết này sẽ không còn được coi là tình tiết tăng nặng.