Rất nhiều trường hợp di chúc được viết tay nhưng không có công chứng, chứng thực dẫn đến tranh chấp không đáng có mặc dù di chúc đó thể hiện đúng ý chí của người lập di chúc.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Vào năm 2021, ba tôi lập một bản di chúc viết tay trên giấy A4, để lại toàn bộ tài sản cho tôi. Tuy nhiên ba tôi không công chứng và chứng thực di chúc. Năm 2024, ba tôi mất thì anh chị tôi yêu cầu tôi chia lại tài sản ba để lại vì họ cho rằng bản di chúc của ba không được công chứng nên không hợp pháp. Theo luật sư thì di chúc của ba tôi có hợp pháp không?
Căn cứ khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Theo quy định trên, tính hợp pháp của di chúc không bắt buộc điều kiện là được công chứng hoặc chứng thực.
Nên, mặc dù di chúc của ba bạn được lập năm 2021 không được công chứng hoặc chứng thực, nhưng nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì di chúc đó là hợp pháp.
Trường hợp có tranh chấp và các bên nộp đơn khởi kiện ra tòa án, thì tòa án sẽ xem xét các yếu tố tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên để xác định giá trị pháp lý của di chúc.