Thành viên công ty có thể rút vốn khỏi công ty TNHH bằng nhiều cách khác nhau tuy nhiên tính khả thi còn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh thực tế của công ty.
Bài viết được sự tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Quang Trung
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Pháp luật doanh nghiệp cho phép thành viên công ty (nhà đầu tư) có thể rút phần vốn đã góp (thu hồi vốn đầu tư) ra khỏi công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
Có nhiều phương án để thu hồi vốn góp. Việc rút vốn bằng phương án nào và mức độ khả thi chủ yếu sẽ phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động kinh doanh thực tế tại thời điểm dự kiến rút vốn. Nếu công ty kinh doanh hiệu quả, hoặc công ty có tài sản, dự án tiềm năng,… thì phần vốn góp của thành viên sẽ có giá trị và được thị trường vốn quan tâm, săn đón.
-
Đàm phán để công ty mua lại phần vốn góp
Thành viên công ty TNHH có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình. Tuy nhiên lưu ý thành viên chỉ được thực hiện nếu họ bỏ phiếu không tán thành đối với quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên trong Điều lệ công ty;
- Tổ chức lại công ty;
- Các trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.
Thành viên phải lập văn bản yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định những vấn đề nêu trên.
Khi nhận được yêu cầu của thành viên, công ty và thành viên thỏa thuận giá mua lại. Nếu không thoả thuận được về giá mua lại thì được xác định theo giá thị trường hoặc theo nguyên tắc định giá được quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán tiền mua lại phần vốn góp chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán hết thì công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Nếu công ty không mua lại phần vốn góp thì thành viên có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác.
-
Chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác
Thành viên công ty TNHH có thể tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình, nhưng phải tuân thủ trình tự như sau:
- PHải chào bán phần vốn đó cho các thành viên khác trong công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ với cùng điều kiện;
- Nếu các thành viên khác không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán thì thành viên chào bán được quyền chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác không phải là thành viên công ty.
-
Tặng cho phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác
Thành viên công ty TNHH có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác:
- Nếu người được tặng cho là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật thì họ đương nhiên trở thành thành viên của công ty;
- Với những cá nhân, tổ chức được tặng cho khác thì chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.
-
Sử dụng phần vốn góp để trả nợ
Phần vốn góp trong công ty TNHH cũng là một loại tài sản, nên thành viên công ty TNHH có thể dùng phần vốn góp để trả nợ cho cá nhân, tổ chức khác. Cá nhân, tổ chức nhận thanh toán bằng phần vốn góp có quyền xử lý phần vốn góp đã nhận như sau:
- Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;
- Có quyền chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó cho cá nhân, tổ chức khác.
-
Công ty chủ động giảm vốn điều lệ
Thành viên có thể rút vốn ra khỏi công ty TNHH khi Công ty quyết định giảm vốn điều lệ. Công ty có thể giảm vốn bằng các phương án như sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nhưng công ty phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả vốn cho thành viên;
- Chủ động đàm phán mua lại phần vốn góp của các thành viên công ty;
- Giảm vốn điều lệ do thành viên không thanh toán đầy đủ và đúng hạn phần vốn góp đã đăng ký mua.