Việc xuất hóa đơn liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ xuất hóa đơn và ghi nhận doanh thu đúng quy định.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Thông tư số 219/2013/TT-BTC;
- Nghị định số 123/2020/NĐ-CP;
- Nghị định số 125/2020/NĐ-CP;
- Nghị định số 102/2021/NĐ-CP.
Chúng tôi nhận được câu hỏi như sau:
Chào anh chị, em mới ra trường làm kế toán công ty xây lắp. Bên em có nhiều công trình kéo dài cả năm. Nhiều khi có công trình đã ký nghiệm thu nhưng khách thanh toán rất chậm nên sếp quy định chờ thu tiền rồi mới xuất hóa đơn để không có nợ xấu. Như vậy có được không ạ?
Hóa đơn là một trong những tài liệu làm căn cứ ghi nhận doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nên thời điểm xuất hóa đơn có liên quan trực tiếp đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
-
Nghiệm thu trước, xuất hóa đơn sau được không?
Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn
4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
c) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Căn cứ khoản 5 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:
Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT
5. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Theo các quy định trên, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xây dựng, lắp đặt, thời điểm xuất hóa đơn, xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm nghiệm thu và bàn giao công trình không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.
Do vậy, với trường hợp câu hỏi cụ thể nêu trên, các bên đã ký nghiệm thu công trình nhưng doanh nghiệp trì hoãn và chờ khách hàng thanh toán mới xuất hóa đơn là không đúng quy định pháp luật.
-
Xuất hóa đơn sai thời điểm có ảnh hưởng gì?
Việc chậm xuất hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ làm chậm phát sinh nghĩa vụ thuế. Do đó, doanh nghiệp có thể phải nộp tiền lãi do chậm nộp thuế, cũng như bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, hành vi lập hóa đơn sai thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Điều 24. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;
…
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;
…
Lưu ý: Căn cứ Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về lập hóa đơn không đúng thời điểm là 2 năm.