Đặt cọc và tạm ứng đều là việc đưa trước cho một bên khoản tiền, nhưng tính chất và hệ quả pháp lý hoàn toàn khác nhau.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Thông tư số 200/2014/TT-BTC.
Đặt cọc và tạm ứng đều được biểu hiện ở việc một bên giao tiền (tài sản) cho một bên còn lại trong hợp đồng. Tuy nhiên, 2 hành vi pháp lý này có bản chất khác nhau và có hệ quả khác nhau lớn khi xảy ra tranh chấp hợp đồng.
-
Đặt cọc là gì?
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Căn cứ Điều 328, đặt cọc được quy định như sau:
Điều 328. Đặt cọc
- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, đặc điểm quan trọng của đặt cọc là để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ đã được bảo đảm bằng đặt cọc thì bên đó phải chịu chế tài, thông thường được gọi là bồi thường tiền cọc/phạt cọc (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác về chế tài)
Ví dụ: bên mua đặt cọc 10.000.000 đồng để mua xe, hai bên mua bán có giao kết hợp đồng đầy đủ và có nội dung đặt cọc. Thì có các tình huống như sau:
- Nếu hai bên thực hiện đúng hợp đồng thì số tiền đặt cọc 10.000.000 đồng được coi là số tiền bên mua đã thanh toán và bên mua chỉ phải thanh toán số tiền còn thiếu. Trường hợp này tương tự như việc bên mua đã tạm ứng 10.000.000 đồng.
- Nếu đến thời hạn giao xe mà bên mua từ chối không mua thì bên mua sẽ bị mất số tiền đã đặt cọc là 10.000.000 đồng.
- Nếu đến thời hạn giao xe mà bên bán từ chối không bán xe thì bên bán phải trả lại số tiền đặt cọc đã nhận là 10.000.000 đồng, đồng thời phải trả thêm cho bên mua số tiền là 10.000.000 đồng.
-
Tạm ứng là gì?
Khác với đặt cọc, tạm ứng không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Hiện nay, trong các giao dịch dân sự, tạm ứng không được định nghĩa cụ thể. Thay vào đó, trong các loại hợp đồng, tạm ứng thường được ghi nhận là khoản thanh toán trước, thanh toán đợt 1 (tùy theo cách soạn thảo hợp đồng).
Do không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó, việc vi phạm hợp đồng, vi phạm nghĩa vụ giao hàng hay các nghĩa vụ khác của bên đã nhận tạm ứng không làm phát sinh chế tài liên quan đến khoản tiền tạm ứng, trừ khi các bên có thỏa thuận rõ việc xử lý khoản tiền tạm ứng này.
Riêng trong hoạt động nội bộ của các doanh nghiệp, Điều 22 Thông tư số 200/2014/TT-BTC có quy định tài khoản 141 là tài khoản tạm ứng. Tuy nhiên trường hợp này, tạm ứng chỉ là việc ghi nhận các khoản tiền, tài sản mà doanh nghiệp giao cho người lao động của mình để thực hiện công việc của doanh nghiệp.
-
Phân biệt đặt cọc và tạm ứng
Với bản chất pháp lý khác biệt như trên, các tiêu chí phân biệt đặt cọc và tạm ứng được thể hiện như sau:
Tiêu chí | Đặt cọc | Tạm ứng |
Căn cứ pháp lý | Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 | Không được quy định |
Định nghĩa | Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. |
Tạm ứng không phải là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Tạm ứng được các bên ghi nhận là khoản thanh toán trước, thanh toán đợt 1 trong các loại hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại. |
Nội dung hợp đồng | Các bên phải ghi rõ “đặt cọc” trong hợp đồng để xác định có việc đặt cọc.
Trường hợp không ghi rõ “đặt cọc” thì không được coi là có việc đặt cọc, mà chỉ có thể coi là thanh toán trước. |
Trong hợp đồng các bên có thể phân chia việc thanh toán làm nhiều đợt:
Đợt 1: Tạm ứng… Đợt 2: … Đợt 3: … |
Nếu hợp đồng được thực hiện đúng | Tiền đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ vào nghĩa vụ trả tiền. | Tiền tạm ứng được trừ vào nghĩa vụ trả tiền. |
Hậu quả do vi phạm hợp đồng | Nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì chế tài mặc định cho việc vi phạm nghĩa vụ sau khi đặt cọc như sau:
Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì bị mất tiền cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả lại tiền cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. |
Không có chế tài mặc định. Trừ khi các bên có thỏa thuận. |