Phạt vi phạm hợp đồng là một biện pháp chế tài cho hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên để áp dụng phạt thì phải đảm bảo hợp đồng có hiệu lực.
CÔNG TY LUẬT TLT – LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Căn cứ pháp lý:
- Luật Thương mại năm 2005;
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
Các bên trong hợp đồng thương mại phải tôn trọng và tuân thủ các thỏa thuận đã giao kết. Trường hợp có sự vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có thể áp dụng điều khoản chế tài để bảo vệ quyền lợi.
Có nhiều loại chế tài vi phạm. Trong đó phạt là biện pháp phổ biến. Khi muốn áp dụng chế tài phạt, cần lưu ý các vấn đề sau đây:
-
Căn cứ áp dụng phạt vi phạm hợp đồng
Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 quy định về phạt vi phạm như sau:
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận.
Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về phạt vi phạm như sau:
Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
Theo các quy định trên, để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm thì:
- Hợp đồng phải có hiệu lực;
- Nội dung hợp đồng có thỏa thuận chế tài phạt vi phạm;
- Có hành vi vi phạm hợp đồng tương ứng với chế tài phạt đã quy định.
Do vậy, lưu ý nếu hợp đồng không có điều khoản phạt vi phạm thì không thể áp dụng chế tài phạt vi phạm
-
Mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường
Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 quy định:
Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Theo quy định trên, phạt vi phạm và bồi thường là 2 chế tài khác nhau, có thể áp dụng đồng thời hoặc riêng rẽ:
- Phạt vi phạm mang mục tiêu chủ yếu là răn đe để ngăn ngừa và trừng phạt hành vi vi phạm. Phạt vi phạm chỉ có thể được áp dụng nếu các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng;
- Bồi thường thiệt hại mang mục tiêu bù đắp lợi ích vật chất thực tế mà bên bị vi phạm đã bị thiệt hại.
Lưu ý trong quan hệ kinh doanh thương mại:
- Mức phạt tối đa thông thường là 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Trừ trường hợp phạt vi phạm trong dịch vụ giám định.
- Mức bồi thường không bị khống chế mà phụ thuộc vào thiệt hại thực tế.
Comments 1